Đồng hồ báo thức có thể đang phá hỏng bộ môn golf yêu thích của bạn!
(GolfViet) - Một nghiên cứu gần đây của Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne cho thấy, âm thanh khiến bạn thức dậy vào buổi sáng có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể uể oải suốt cả ngày, hiệu suất mọi công việc. Với golfer, điều đó đồng nghĩa với những tác động tiêu cực trên sân golf.
50 người tham gia vào nghiên cứu đã ghi lại loại âm thanh mà họ sử dụng đặt báo thức (âm báo, thể loại nhạc và các yếu tố có liên quan được báo cáo là chống lại chu kỳ, quán tính của giấc ngủ). Sau đó đánh giá mức độ uể oải của mỗi người và phản ứng của cơ thể khi bị đánh thức.
Nhóm tác giả đã phát hiện những người thức dậy với giai điệu du dương chậm hơn sẽ giúp tiếp thêm năng lượng và cải thiện quán tính giấc ngủ của họ - quá trình, trạng thái chuyển con người chuyển từ ngủ sang thức và ngược lại. Cơ thể có dấu hiệu bị sốc, hành động lúng túng hơn trong suốt cả ngày nếu đột ngột bị âm thanh cường độ mạnh, tiết tấu nhanh làm tỉnh giấc.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng sự kết hợp của các giai điệu tăng và giảm trong bài hát thúc đẩy sự kích thích trong hệ thống não bộ. Giống như cách một vận động viên sẽ đạt thành tích tốt hơn khi họ khởi động kỹ thay vì hành động một cách đột ngột khi cơ thể đang nghỉ ngơi. Vì vậy, nếu golfer muốn chơi golf tốt hơn, hãy thử trải nghiệm một số giai điệu du dương để đánh thức vào buổi sáng như Good Vibrations (The Beach Boys) hoặc Close To Me (The Cure) – Hai ca khúc được đề xuất bởi nhóm tác giả của Viện Đại học RMIT.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên đưa ra mối liên hệ giữa đồng hồ báo thức và sức khỏe con người. Theo kết quả nghiên cứu Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, con người từ trạng thái ngủ say chuyển sang trạng thái tỉnh táo sau khi thức giấc, hô hấp tăng từ 16 nhịp/phút lên 24 nhịp/phút, nhịp tim tăng nhanh 10 lần/phút, sóng não từ 8 lần/giây tăng lên 30 lần/giây. Do đó, khi đang ngủ sâu đột nhiên bị đánh thức bởi tiếng chuông báo thức, sẽ khiến cho cơ thể có sự thay đổi bất ngờ, sinh ra hàng loạt các cảm giác tiêu cực như hoảng hốt, tâm trạng tụt dốc, cảm giác trống rỗng, uể oải, khó chịu.
Viện Y tế Công nghiệp Quốc gia Nhật Bản cũng xác nhận, tiếng đồng hồ sẽ “đập nát” chu kỳ của giấc ngủ. Âm thanh điên cuồng ấy sẽ kéo cơ thể ra khỏi giấc ngủ sâu một cách đột ngột, gây ra một chuỗi phản ứng liên hoàn, làm phát sinh ra hợp chất adrenaline. Chất này chính là nguyên nhân khiến nhịp tim tăng lên đột ngột, dẫn đến huyết áp cao và có thể “bức tử” trái tim ngay lập tức.
Ngay cả thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo lặp lại nhiều lần cũng có thể gây ra tác động xấu đến tim mạch, gây ức chế lên hệ thần kinh. Chuỗi hành động lặp lại báo thức reo - tắt – hẹn đồng nghĩa với việc cơ thể rơi vào trạng thái đánh thức – ngủ - đánh thức liên tục, có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, tổn thương chức năng sinh học của bộ não.
Vậy làm thế nào để golfer tỉnh dậy đúng giờ tee time vào sáng sớm ngày hôm sau hay đơn giản là bắt đầu một ngày mới?
Ngoài cách sử dụng những âm thanh dịu nhẹ, tiết tấu du dương như gợi ý của nhóm nghiên cứu ở trên thì cách tốt nhất là golfer nên đánh thức cơ thể một cách tự nhiên, bao gồm cả việc tận dụng ánh sáng bên ngoài để cơ thể tự cảm nhận và thức giấc.
- Nên ngủ sớm, ngủ đúng và ngủ đủ bởi trạng thái muốn ngủ sau khi báo thức reo chứng tỏ ngủ không đủ giấc. Một giấc ngủ sảng khoái cũng mang lại điều kiện cơ thể tốt nhất, sẵn sàng cho cuộc chơi suốt 18 hố golf.
- Đặt báo thức vào một giờ cố định với âm lượng vừa đủ nghe, giai điệu phù hợp và đặt đồng hồ/điện thoại càng xa càng tốt nhưng vẫn đủ nghe được tiếng chuông. Để tắt được tiếng báo thức, bạn sẽ phải rời khỏi giường và khó ngủ trở lại.
- Nghĩ về điều đặc biệt đang chờ đón về ngày mai hoặc bất cứ điều gì khiến bạn hào hứng. Một giải đấu golf đã mong chờ rất lâu, cảm giác được trải nghiệm trên sân golf mình yêu thích,... Khi có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp dễ thức giấc hơn so với việc đi ngủ nhưng không biết phải làm gì vào sáng mai.
- Nên nằm ngủ ở vị trí có cửa sổ và hứng trọn ánh sáng mặt trời. Những tia nắng khi mặt trời ló dạng giúp đánh thức cơ thể một cách an toàn nhất.
Thảo Phạm (T/h)