Thứ 2, 25/03/2024 02:45 GMT +7
Dòng sự kiện:

Du lịch golf Việt Nam: "Con gà đẻ trứng vàng" bao giờ mới được khai mở?

14:11 - 11/10/2019

(GolfViet) - Thế giới hiện có khoảng 60 triệu người chơi golf, họ chi tiêu nhiều hơn 2 lần so với mức chi tiêu của khách du lịch thông thường (Theo thống kê Tổ chức Du lịch Thế giới). Con số này cho thấy du lịch golf là thị trường siêu lợi nhuận mà các quốc gia trong đó có Việt Nam đang tiếp cận.

Bài liên quan

Việt Nam: Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Bước chân vào khai thác, thị trường du lịch golf Việt Nam nhận được vô số điều kiện thuận lợi. Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Châu Á nơi hiện có 149 sân golf đã đưa vào sử dụng và sắp xây dựng, chiếm đến 28% sân golf đang phát triển trên toàn thế giới. Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia có địa hình đặc trưng là với ¾ diện tích là đồi núi, có đường bờ biển dài 3260km, thuận tiện phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch golf nói riêng.  

Việt Nam có 32 sân golf trong tổng 60 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế

Việt Nam có 32 sân golf trong tổng 60 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế

Tận dụng các lợi thế về địa hình có sẵn, các sân golf của Việt Nam nối đuôi nhau ra đời, vượt qua những đánh giá khắt khe từ các tay golf chuyên nghiệp trên thế giới và trong nước. Hiện nay, nước ta có 32 sân golf trong tổng 60 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế phải kể đến các sân golf như: Kings’ Island Golf, golf Hoàng Gia (Ninh Bình), Vinpearl Golf Club, Bo Chang Dong Nai Golf Resort, Laguna Lăng Cô Huế, Đà Nẵng Golf Club, Sea Links Golf & Country Club (Mũi Né, Phan Thiết), DaLat Palace Golf (Đà Lạt, Lâm Đồng), chuỗi sân golf thuộc FLC Group…

Trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018 tạp chí Asia Golf công nhận Việt Nam là "Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Tạp chí Forbes - một trong những tạp chí nổi tiếng ở Mỹ đánh giá "Việt Nam là thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới".

Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO) ông Peter Walton từng khẳng định: Với những thế mạnh về thiên nhiên, vị trí địa lý, Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một điểm đến du lịch golf hàng đầu châu Á."  

Thế giới nhìn nhận Việt Nam là quốc gia hội đủ những điều kiện cần thiết để phát triển ngành du lịch golf mà không phải quốc gia nào cũng may mắn có được. Nhưng liệu rằng ngành du lịch golf tại Việt Nam đã thực sự phát triển đúng kỳ vọng?

Thị trường du lịch golf Việt Nam chưa phát triển xứng tầm

Mặc dù con số doanh thu từ du lịch golf của Việt Nam trong năm 2015 đạt khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ và vượt ngưỡng 1,7 tỷ đô la trong năm 2017 (Theo báo cáo của Tổng cục du lịch) tuy nhiên, du lịch golf nước ta vẫn phát triển chưa xứng tầm và chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.

Anh Andrew, một du khách đến từ Úc chia sẻ với Golf Việt: “ Tôi muốn trải nghiệm một số sân golf tại Việt Nam & kết hợp tham quan du lịch, nhưng tìm kiếm các tour như vậy hầu như không có, vì đa phần chỉ có các tour tham quan du lịch. Nhưng nếu tôi tự túc hoặc đi theo các tour du lịch thuần tuý đó, rồi tìm kiếm các sân golf nào đó để trải nghiệm thì cũng khá khó khăn, từ chi phí đến thời gian".

Bước vào sân chơi mới, khi sản phẩm còn hạn chế du lịch golf Việt Nam đã vấp phải sự cạnh tranh từ các ông lớn trong khu vực. Nếu như Việt Nam chỉ mới có 60 sân golf thì Thái Lan có tới 300 sân, Indonesia đã có 152 sân, Malaysia có 230 sân. Nếu như số khách đến Việt Nam du lịch chỉ chiếm 0,8% trên tổng 15 triệu lượt khách thì Thái Lan 9% trên tổng 35 triệu lượt khách và Malaysia là 2% trên tổng 25 triệu lượt khách. 

Một thực tế không thể chối cãi đó là du lịch golf còn khá nhiều lỗ hổng như việc liên kết giữa công ty lữ hành với chủ sân golf còn chưa nhiều nên các tour golf tỷ lệ thấp. Chưa liên kết với các loại hình du lịch khác như MICE, tàu biển, nghỉ dưỡng, Carnaval,...Chất lượng, sản phẩm du lịch chưa cao và thiếu hụt các giải đấu golf chuyên nghiệp. 

Lý giải về vấn đề, đại diện một sân golf tại phía Bắc cho biết: "Các sân golf luôn đi kèm theo đó là các Resort để tăng thêm các giá trị vô hình trong bất động sản, tuy nhiên nhiều sân Golf ở các khu vực gặp một số hạn chế tiềm năng khai thác, thậm chí nhiều chủ đầu tư chia sẻ rằng việc đầu tư sân golf hiện nay khó khăn, việc khai thác và vận hành không đảm bảo thu chi, vì một phần phong trào và số người chơi golf còn ít. Chính vì vậy mà nhiều sân golf phải thường xuyên tạo ra các giải đấu, liên tục để kích cầu nhu cầu sử dụng dịch vụ như khách sạn, chơi golf.., đó chỉ là giải pháp tình thế….trong khi thị trường trong nước chưa đủ lớn, thì việc thu hút các du khách nước ngoài đến du lịch golf tại Việt Nam còn “bỏ ngỏ”.

Vậy công ty du lịch nhìn nhận về vấn đề này như thế nào? Theo ông Vũ Đức Biên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng hạn chế khiến ngành du lịch cao cấp golf đó chính là thiếu những đường bay thẳng: “Đà Lạt hiện có 3 sân golf đẹp nhưng khách quốc tế muốn đến phải trung chuyển qua Hà Nội, Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu quốc tế về du lịch golf”.

Nhân sự golf cũng là 1 điểm yếu của Việt Nam, nếu muốn phát triển ngành golf & du lịch golf, các đơn vị có liên quan phải xây dựng & đào tạo đội ngũ nhân sự về golf bài bản từ bộ phận quản lý đến caddies.

Đó không chỉ là những trăn trở của các sân golf, các công ty du lịch mà với những người yêu golf, đang đặt tâm huyết vào sự phát triển ngành du lịch golf nước ta đều đang kỳ vọng vào những đột phá trong thời gian tới. 

Việt Nam cần bắt tay "khai mỏ" thị trường du lịch golf

Sắp tới, ngày 8/11/2019 công ty Golf Tour Event Company một công ty chuyên phục vụ các tour du lịch đánh golf & tổ chức sự kiện golf tại Việt Nam đã tổ chức "giải golf Burke mở rộng tranh cúp nghiệp dư quốc tế Hải Nam 2019" vòng loại Việt Nam tại sân golf Tân Sơn Nhất. Các golfer đến từ các Quốc gia như: Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.. với mục đích chọn ra gôn thủ đi thẳng vào Chung kết Cúp Nghiệp Dư Quốc Tế Hải Nam 2019 tại Trung Quốc.

Tham gia đồng hành với giải của một thương hiệu lớn về thời trang golf, gậy golf.. sẽ gây ấn tượng với các gôn thủ một số nước khu vực châu Á sẽ mang đến cho các gôn thủ những trải nghiệm mới mẻ về cách tổ chức sự kiện golf với thật nhiều thay đổi và các mini game đi kèm. 

Thành công của sự kiện là vậy nhưng bà Võ Phương Vi, giám đốc Kinh doanh của công ty Golf Tour Event Company bày tỏ với Golf Việt: "Tôi đã được tham gia các hoạt động Networking đánh golf và quảng bá du lịch tại Thái Lan, Singapore, những người bạn từ các quốc gia khác luôn có cái nhìn tích cực về du lịch golf Việt Nam. Tuy nhiên để ngành dịch vụ golf nói chung & du lịch golf nói riêng có điều kiện phát triển hơn, muốn tạo thương hiệu quốc tế cho nền du lịch golf trong nước một số ngành dịch vụ phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau & mang 1 thông điệp cùng đồng hành hỗ trợ". 

Cũng theo bà Phương Vi, sự kết nối ở đây cũng có thể hiểu là giữa các ban ngành tạo điều kiện để quảng bá hình ảnh du lịch golf tại Việt Nam. Thay vì cách làm hiện tại "mạnh ai người đó làm" riêng lẽ và đơn độc thì các trận ra quân có tính kết nối, hợp tác giữa những người có chung chí hướng hướng chung mục đích để nổ một tiếng súng lớn hơn. 

Số khách đến Việt Nam du lịch golf chỉ chiếm 0,8% trên tổng 15 triệu lượt khách

Số khách đến Việt Nam du lịch golf chỉ chiếm 0,8% trên tổng 15 triệu lượt khách

Về vấn đề này, chúng ta có thể học nước làng giềng - Thái Lan hiện đang làm rất tốt. Đất nước Triệu Voi có hội chợ du lịch golf Thái Lan viết tắt là TGTM được tổ chức thường niên. Hội chợ là nơi gặp gỡ, hợp tác giữa các nhà lữ hàng, các đơn vị vận hành sân golf, khu nghỉ dưỡng,… nhằm mang đến dịch vụ golf trọn gói, chất lượng.  

Anh Nguyễn Hùng, Việt kiều Mỹ hiến kế: "Ví dụ các sân liên kết với các công ty du lịch tổ chức Tour 3N2D thăm quan Vinh Hạ Long (1 ngày trải nghiệm chơi hoặc thi đấu & 1 ngày thăm qua Vịnh Hạ Long… ), Hoặc tour xuyên các hệ thống sân Golf….Và mô hình này khá phổ biến trên thế giới "

Việt Nam cần đầu tư phát triển ngành du lịch golf hơn nữa

Việt Nam cần đầu tư phát triển ngành du lịch golf hơn nữa

Bên cạnh chặng đường phát triển du lịch Golf Việt Nam, cần chú tâm tới yếu tố phát triển bền vững, luôn tôn trọng và bảo vệ môi trường tự nhiên, như Ông Sam Thomas, Tổ chức Môi trường golf GEO nhấn mạnh từng nhấn mạnh: “Từ điểm khởi đầu đến tương lai, sự bền vững luôn là một phần của golf. Golf phải thúc đẩy sự phong phú sinh học và phong cảnh tự nhiên, đồng thời du lịch golf phải sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và mang lại những giá trị cộng đồng, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững”.

Trong thời gian gần đây, ngành du lịch golf nước ta có những tín hiệu đáng mừng đó là hiệp hội Du lịch golf Việt Nam đã được thành lập. Cùng với đó, ngành du lịch golf đã đưa vào đào tạo nghề với trình độ cao đẳng và Trung Cấp tại trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội trong năm học 2019-2020. Và trong trương lai sẽ tiến hành nhân bản tại các trường đào tạo trên cả nước. Bên cạnh đó, số lượng Việt Kiều và các khách nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nhật, Hàn đến nước ta ngày càng nhiều.

Mặc dù du lịch golf là thị trường “ngách” nhưng có “size” rất lớn và bền vững. Vì vậy, nếu ngành du lịch golf của nước ta giải quyết những tồn tại và bắt tay "khai mỏ" sẽ mang về nguồn ngoại tệ lớn. 

Nguyễn Liên/SHTT

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT