Golf đóng góp cho sự phát triển của Mỹ như thế nào?
(TBG) - Môn thể thao xếp hàng "quý tộc" mang về cho nước Mỹ gần 180 tỷ USD trong một năm và đóng góp 2 triệu việc làm cho đất nước.
Nền kinh tế xanh
Giá trị: 69 tỷ USD
Với nhiều người đã tham gia, môn thể thao này có thể xem là "thứ gây nghiện" hay thậm chí như một tín ngưỡng. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận rằng golf vẫn là một "cỗ máy làm tiền" khổng lồ. Tại Mỹ có khoảng 26 triệu người đánh golf đã mang lại doanh thu tới 69 tỷ USD cho ngành vào năm 2011, theo số liệu từ công ty nghiên cứu SRI International.
Con số của năm 2005 cao hơn (76 tỷ USD) nhưng golf vẫn xếp trên nhiều môn thể thao chuyên nghiệp như bóng chày, bóng rổ, bóng đá, hockey cộng lại. Nếu tính thêm cả khoản thu ngoài người chơi như du lịch, "kinh tế golf" trị giá tới 177 tỷ USD.
Đầu tư và xây dựng sân golf
Giá trị: 2,07 tỷ USD.
Theo tổ chức Golf quốc gia, nước Mỹ có khoảng 16.000 sân golf cả tư nhân lẫn công cộng. Một trong những sân "hoành tráng" và đắt nhất là Trump National Golf Club, nơi một lon nước có giá tới 60 USD (hơn 1,2 triệu đồng). Sân do kiến trúc sư Pete Dye thiết kế năm 2002, phí xây dựng 264 triệu USD. Năm 2011, SRI cho hay các sân đang hoạt động có phí đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD.
Biệt thự sân golf
Giá trị mua và xây nhà tại sân golf: 4,7 tỷ USD.
Rất nhiều sân golf thiết kế có nhà ngay sát khu "green". Khi bong bóng bất động sản vỡ, hơn 500 sân đã phải đóng cửa khiến doanh thu từ nhà và căn hộ rớt mạnh. Đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia nhận định nhu cầu nhà trong sân đã tăng trở lại, đến mức nhiều nhà đầu tư phải thu hẹp diện tích sân để xây được nhiều nhà hơn. SRI cho hay khoản tiền 3,1 tỷ USD (năm 2011) để đầu tư nhà trạm ngày càng tăng. Ước tính, người mua đã bỏ ra khoảng 1,6 tỷ USD dành cho loại hình này.
Phụ kiện
Giá trị quần áo và phụ kiện: 2,1 tỷ USD.
Người chơi bỏ cả núi tiền cho quần áo, túi, DVD và những đồ khác cho môn thể thao này. Năm 2011, người Mỹ chi 2,1 tỷ USD cho các đồ đạc liên quan đến golf. Trong số này có 1,6 tỷ USD dành cho trang phục, điển hình là thương hiệu Greg Norman Collection và Tuttle Golf Một quả bóng golf tốt có giá tới 30 USD (hơn 600.000 đồng). Chiếc túi golf Damier Geant Golf Bag (hiệu Louis Vuitton) đắt nhất thế giới giá 9.000 USD, đôi giày cũng khoảng 1.500 USD (đôi đắt nhất giá 5.000 USD).
Gậy golf
Giá trị: 3,5 tỷ USD.
Năm 2011, người Mỹ chi tổng cộng 3,5 tỷ cho gậy golf, bóng và túi. Những tay chơi siêu giàu có thể chọn loại Five Stars do Honma sản xuất. Bộ gậy gồm 14 cây được bọc bởi vàng và platinum có giá tới 32.000 USD.
Xe cart
Doanh thu từ xe cart: 625,2 triệu USD.
Trong giai đoạn suy thoái, doanh số xe cart giảm 29% và chỉ bắt đầu phục hồi từ năm 2012, đạt 625,2 triệu USD. Ngày nay, cart không chỉ là phương tiện để di chuyển trên sân mà còn phải được tích hợp công nghệ cao và an toàn ví dụ như pin năng lượng mặt trời, đế sạc điện thoại, dàn âm thanh nổi, bảng điều khiển tủ lạnh mini...
Phí chơi
Doanh thu: 30 tỷ USD.
Một sân giá đắt có thể áp mức phí 500 USD (cao nhất Mỹ) cho mỗi lần chơi, bao gồm các dịch vụ đi kèm như đi lại bằng xe limousine và có caddy riêng. Bên cạnh đó, tiền ăn uống, phí học đánh golf... cũng đóng góp lượng tiền khổng lồ cho nền kinh tế. Nước Mỹ có 15.751 sân, hàng nghìn cơ sở vật chất và 415 trường dạy môn thể thao này, mang về tổng doanh thu 30 tỷ USD năm 2011.
Những giải đấu
Chi phí: 1,2 tỷ USD.
Năm 2013, giá vé để xem giải Masters Tournament cho một người (kéo dài 4 ngày) là 4.486 USD, còn giá vé mỗi ngày từ 1.215 đến 1.786 USD. Còn vé Super Bowl cũng có giá tới 1.210 USD. Tính trong năm 2011, các giải đấu golf tại Mỹ mang về 1,2 tỷ USD, bao gồm cả tiền bản quyền phát sóng, tài trợ, bán vé...
Các hiệp hội
Doanh thu: 554 triệu USD
USGA, Golf Course Superintendents Association of Ameriaca, PGA... là những hiệp hội golf của Mỹ thường xuyên cập nhật luật lệ cũng như tạo việc làm hay hỗ trợ thành viên nghỉ hưu, cấp chứng chỉ và nhiều dịch vụ khác. Những đơn vị này cũng hoạt động và có doanh thu riêng. Năm 2011, hiệp hội nhà nghề thu được 554 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so với năm 2005.
Chi phí thương hiệu
Giá trị: 320 triệu USD
Những tên tuổi lớn như Tiger Woods, Arnold Palmer, Phil Mickelson...kiếm được không ít từ phí bản quyền cho nhiều sản phẩm khác nhau, từ quần áo cho đến trò chơi điện tử. Năm 2012, Woods nhận được 86,1 triệu USD tiền thương hiệu, Mickelson cũng kiếm 45,3 triệu USD. Trong năm 2011, số tiền mà các tay golf tại Mỹ nhận được từ thương hiệu là 320 triệu USD.
Tổ chức đấu golf theo mục đích
Số tiền thu về: 3,9 tỷ USD.
Thông thường, đa phần các nhà tài trợ cho những giải golf đứng tên những ngôi sao nổi tiếng hay theo mục đích sẽ dùng số tiền thu được để từ thiện, dành cho giáo dục và trao học bổng. Những người tham gia sẽ đóng một khoản phí nhất định để gây quỹ. Năm 2011 có khoảng 143.000 giải kiểu này được tổ chức, thu hút 12 triệu người, thu được tới 3,9 tỷ USD.
Du lịch
Doanh thu: 20,6 triệu USD
Nhiều người chơi golf dành kỳ nghỉ của mình trên những sân nổi tiếng về cảnh đẹp. Chẳng hạn phí nghỉ tại Pebble Beach Golf Links lên tới 2.000 USD một đêm. Năm 2011, golf thủ thực hiện khoảng 155 triệu chuyến du lịch tới các khu nghỉ này, mức chi trung bình trên đầu người là 177 USD cho chỗ ở và thuê xe. Tổng cộng họ đã dành ra khoảng 20,6 tỷ USD cho dịch vụ.
Việc làm
Tổng lương: 55,6 tỷ USD
Năm 2011, ngành công nghiệp golf của Mỹ có khoảng 2 triệu việc làm và nhân viên đã nhận được khoảng 55,6 tỷ USD tiền lương và thưởng, phụ cấp.
KD