Thứ 7, 20/04/2024 03:48 GMT +7
Dòng sự kiện:

Tết Hàn Thực – Nét văn hóa đặc trưng của người Việt

08:30 - 04/06/2021

(GolfViet) - Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Truyền thống này được phổ biến rộng rãi các vùng miền Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc. Dù vậy, không phải ai cũng biết và hiểu rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Hàn Thực.

Bài liên quan

Lịch sử ra đời của ngày Tết Hàn Thực

Tết Hàn Thực được bắt nguồn từ nước Trung Quốc. "Hàn" là lạnh, "Thực" là ăn, ngụ ý muốn nhắc nhở đây là ngày Tết ăn đồ ăn lạnh.

nguon-goc-y-nghia-tet-han-thuc4

Phong tục này được lưu truyền cùng với câu chuyện xa xưa ở Trung Quốc. Tương truyền rằng, vào thời nhà Tấn (năm 770 – 221 TCN), vua Tấn Văn Công gặp loạn nên phải từ bỏ đất nước lưu vong lánh nạn khắp nơi. Bên cạnh ông có một vị hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, người này luôn tham mưu kế sách, phò tá hết lòng cho vua.

Vào lúc khó khăn nhất, Giới Tử Thôi đã cắt thịt của mình để nấu dâng lên cho vua ăn. Nhà vua khi biết được liền cảm động trước tấm lòng trung nghĩa này của Giới Tử Thôi. Sau nhiều năm bôn ba khổ luyện, cuối cùng vua Tấn Văn Công cũng đã giành lại được ngôi vua của mình. Sau đó ông ban lệnh sắc phong và trọng thưởng cho những người có công bôn ba theo hầu tá vua lúc chạy loạn, nhưng vô tình bỏ quên mất Giới Tử Thôi.

Tấn Văn Công cho đốt rừng để ép Giới Tử Thôi ra mặt. Ảnh minh họa

Tấn Văn Công cho đốt rừng để ép Giới Tử Thôi ra mặt. Ảnh minh họa

Về sau vua Tấn nhớ ra bỏ sót vị hiền sĩ Giới Tử Thôi nên đã ra lệnh trở về quê nhà của ông, đích thân mời ông quay về triều đình, nhưng ông từ chối. Vua Tấn vì muốn đưa Giới Tử Thôi về bên mình, đã cho đốt cánh rừng nơi ông và mẹ đang sinh sống nhằm ép ông ra mặt. Không ngờ ông kiên định với tư tưởng của mình, chịu chết cùng mẹ trong vụ cháy rừng đó. Nhà vua hối hận vì sự nông nổi này, bèn cho dựng miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi này là Giới Sơn. Cũng từ đó, Vua ban lệnh, vào ngày 3 tháng 3 hàng năm, dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước. Cái tên Hàn Thực cũng lưu lại cho đến hiện tại.

Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Hàn Thực tại Việt Nam

Tết Hàn Thực được ra đời ở Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, ngày này đã được Việt hóa phù hợp với văn hóa, phong tục của nước ta.

Tết Hàn Thực ở Việt Nam không cúng để tưởng nhớ đến vị hiền sĩ Giới Tử Thôi mà mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Đây cũng là dịp để gắn kết các thành viên trong gia đình, là dịp để sum vầy, đoàn tụ. Ngày Tết Hàn Thực còn mang đến ý nghĩa mong muốn cho mưa thuận gió hòa, quanh năm thuận lợi.

Phong tục ăn bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn Thực

Nhiều thập kỷ trôi qua, món bánh trôi, bánh chay đã được người Việt sử dụng như món ăn đặc trưng trong mâm cúng ngày Tết Hàn Thực. Bánh được làm ra để thờ cúng tổ tiên, ông bà với tất cả sự thành kính.

Vào Tết Hàn thực , người Việt sẽ dâng lên bàn thờ tổ tiên bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cội nguồn.

Vào Tết Hàn thực , người Việt sẽ dâng lên bàn thờ tổ tiên bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cội nguồn.

Bánh trôi, bánh chay Việt được làm từ bột gạo nếp thơm, thể hiện rõ nét nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam. Bánh trôi trắng trong, tỉ mỉ đến từng chi tiết để tạo hình bánh được tròn đều, mùi bánh mang hương vị ngọt ngào, hòa chung không khí ấm cúng của mỗi gia đình. Còn bánh chay có lớp vỏ trắng tinh khiết mang tính dương, bên trong nhân đậu xanh vàng ươm mang tính âm, ngụ ý âm dương hòa hợp.

Dâng cúng bánh trôi, bánh chay trong mâm cỗ ngày Tết Hàn Thực cầu nguyện không khí trong lành, thời tiết thuận hòa.

Tố Nguyên

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT