Chấn thương cổ tay 'huỷ hoại' phong độ các Golfer đến mức thế nào?
So với các chấn thương khi chơi Golf, chấn thương cổ tay thường bị xem nhẹ. Tuy nhiên, thực tế nó ảnh hưởng rất lớn đến phong độ, thậm chí sự nghiệp của ngay cả một vận động viên chuyên nghiệp.
Đau cổ tay cũng là một trong những loại chấn thương mà các golfer thường gặp. Trong trường hợp nặng nhất, loại chấn thương này có thể tạo ra sự đau đớn kéo dài hoặc thậm chí có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh.
Trong lịch sử làng golf ta có thể thấy như trường hợp của golfer Phil Mickelson. Cách đây mấy năm, anh đã phải rút khỏi bốn giải major quan trọng vì chấn thương dai dẳng ở cổ tay.
Nữ golfer nổi tiếng Michelle Wie từng gặp phải kiểu chấn thương này vào thời gian đầu trong sự nghiệp và điều đó đã ảnh hưởng tới phong độ của cô cho đến ngày nay. Hay như trường hợp của golfer Justin Thomas, anh đã không thể tham dự sự kiện PGA Championship lần thứ 101 và Wells Fargo Championship do vấn đề ở cổ tay chưa hoàn toàn được phục hồi.
Chấn thương cổ tay ở các Golfer: Một số triệu chứng thường gặp
Khi bạn bị chấn thuương cổ tay sẽ thường có một số cảm giác sau đây:
- Nóng ở vùng tay
- Cổ tay bị sưng tấy sau khi chơi hoặc luyện tập
- Cổ tay có cảm giác bị cứng và đau khi thực hiện các cử động bình thường như mở nắp hộp, xách đồ, hay bắt tay, một ngày sau khi thi đấu hoặc luyện tập.
- Thấy phía sau cổ tay xuất hiện một cục u, giống như một cục hạch.
- Ấn lên điểm đầu cổ tay có cảm giác đau nhói.
- Cổ tay và bàn tay trở nên yếu ớt.
- Đau dữ dội đến độ không thể điều khiển được vùng cổ tay.
Tại sao bạn thường bị chấn thương cổ tay?
- Cử động cổ và cơ thể chưa đúng: Nếu như cử động của các bộ phận khác chưa đạt thì chính cổ tay sẽ là bộ phận chịu trách nhiệm gia tăng thêm lực để cân bằng với các cử động yêu của cổ, vai hay hông… gây nên chấn thương.
- Bắt tay vào chơi ngay sau khi ngồi nghỉ quá lâu: Sau khi nghỉ ngơi kéo dài rồi lao vào luyện tập ngay các động tác mạnh chắc chắn sẽ gây chấn thương.
- Uốn cong cổ tay quá mức: Những người có điểm chấp cao thường vụt banh khá vội vàng, các cổ tay bị uốn cong hoặc duỗi quá mức. Điều này làm gia tăng lực lên gân và khớp cổ tay dẫn đến chấn thương.
- Chơi quá sức: Bạn càng chơi thường xuyên thì nguy cơ chấn thương càng cao. Những tay golf dành hơn 6 tiếng mỗi ngày để chơi sẽ đối mặt với nguy cơ chấn thương cổ tay do vận động quá sức.
- Sân chơi kém chất lượng hoặc gặp chướng ngại vật
Vụt banh trên mặt tiếp xúc bằng cao su hoặc bề mặt cứng sẽ tăng nguy cơ chấn thương cổ tay. Ngoài ra, trong trận đấu, khi lỡ đánh phải gốc cây hay đá cũng sẽ là nguyên nhân gây chấn thương.
Khi chấn thương cổ tay, bạn cần làm gì?
Nếu như bạn gặp phải những triệu chứng như trên hoặc sau khi chơi golf, thì bạn phải tiến hành ngay một cuộc xét nghiệm với các bác sĩ bằng phương pháp chụp cộng hưởng MRI thay vì chụp X Quang.
Vùng cổ tay là vùng rất phức tạp, nhiều bộ phận có thể bị tổn thương mà người ta không thể xác định được với tia X. Vì vậy chụp MRI và chuẩn đoán từ bác sĩ điều trị hiển nhiên là cách tốt nhất để xác định vùng bị đau.
Cách phòng ngừa chấn thương cổ tay
Phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh. Bởi vậy, bạn nên chủ động phòng tránh chấn thuương cổ tay bằng những cách sau:
- Vụt banh đúng kỹ thuật và kiểm soát sự chuyển động của toàn cơ thể.
- Trước khi chơi Golf, dành ra vài ba phút để khởi động, ít nhất là các vùng khớp cổ tay để hạn chế chấn thương bất ngờ, bố trí thời gian thi đấu hợp lý
- Luyện tậo cách xử lý tình huống khi banh rơi vào chướng ngại đá hay gốc cây.
- Tập luyện những bài tập gym cho tay hỗ trợ người chơi Golf
Các Golfer đều biết vai trò quan trọng của thể lực khi chơi Golf tuy nhiên thuường xem nhẹ chấn thuương cổ tay. Đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy cố gắng tập luyện các bài tập gym nâng cao sức khoẻ các nhóm cơ, đừng bỏ qua bất cứ một bộ phận nào. Bởi rất có thể chấn thuương sẽ ghé thăm và huỷ hoại phong độ của bạn.
Tâm An/ SHTT