Những dạng chấn thương phổ biến trong golf và cách phòng tránh hiệu quả
(GolfViet) - 9 dạng chấn thương phổ biến mà những người chơi golf thường gặp khiến các golfer gặp khó khăn trong việc tập luyện và thi đấu. Có cách nào để phòng tránh chấn thương hiệu quả?
Golf đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cũng như thư giãn tinh thần vì có cường độ thấp hơn các môn thể thao khác. Tuy nhiên, phần lớn người chơi nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp đều có thể dễ dàng chấn thương nếu không có thể lực tốt, tập luyện sai cách hoặc quá mức.
1. Chấn thương lưng
Đau phần nửa dưới lưng có thể được xem là chấn thương phổ biến nhất trong giới golfer. Động tác vặn người đánh bóng khi thực hiện những cú swing quen thuộc luôn tạo ra một áp lực lớn lên cột sốt và cơ, vì thế không có gì ngạc nhiên khi đau lưng trở thành căn bệnh phổ biến với các golfer. Minh chứng cụ thể nhất chính là trường hợp của Tiger Woods - người từng giành 15 danh hiệu major đã phải vật lộn với chấn thương lưng trong thời gian dài. Tổng cộng anh phải mất đến 4 cuộc phẫu thuật cùng sự nỗ lực để có thể tiếp tục sự nghiệp như hiện nay. Ngoài Woods, nhiều golfer như Lee Trevino, Lanny Watkins, Fred Couples, David Duval và Retief Goosen... cũng gặp chấn thương lưng.
Để hạn chế dạng chấn thương này, các golfer nên:
- Đeo túi đúng tư thế.
- Nhặt banh bằng động tác squat, không nên cúi lưng xuống để nhặt.
- Chuyển sang dùng gậy putter có cán dài hơn.
- Giảm tốc độ khi thực hiện động tác backswing để giảm thiệu áp lực đến lưng.
- Cử động vai và hông nhiều hơn khi thực hiện backswing.
- Hãy chắc rằng trọng lượng cơ thể được chuyển qua chân thuận một cách hợp lý trong quá trình backswing.
2. Chấn thương cổ tay
Đau cổ tay cũng là một trong những loại chấn thương mà các golfer thường gặp. Trong trường hợp nặng nhất, loại chấn thương này có thể tạo ra sự đau đớn kéo dài hoặc thậm chí có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh. Triệu chứng dễ nhận thấy của chấn thương này là tê và ngứa các ngón tay (đặc biệt vào đêm), hoặc tay bị yếu hơn bình thường.
Nữ golfer nổi tiếng Michelle Wie từng gặp phải kiểu chấn thương này vào thời gian đầu trong sự nghiệp và điều đó đã ảnh hưởng tới phong độ của cô cho đến ngày nay. Hay như trường hợp của golfer Justin Thomas, anh đã không thể tham dự sự kiện PGA Championship lần thứ 101 và Wells Fargo Championship do vấn đề ở cổ tay chưa hoàn toàn được phục hồi.
Lời khuyên cho trường hợp này là:
- Hãy hạn chế đánh quá nhiều bóng trên các thảm tập golf bởi chúng sẽ truyền phản lực lại thông qua gậy và chính cổ tay là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Người chơi nên đánh bóng nhiều hơn trên mặt cỏ tự nhiên bởi chúng sẽ hấp thu phần lớn lực khi gậy tiếp xúc với cỏ.
- Phần grip của gậy nên được thay bằng loại to hơn/mềm hơn nếu cần thiết.
- Giảm thiểu lực khi nắm gậy.
3. Chấn thương cổ, vai
Do các động tác swing thường xảy ra với tốc độ nhanh, nên phần cổ của người chơi phải thích nghi tốt với những chuyển động đó. Nếu cổ di chuyển quá nhanh hoặc quá chậm so với cơ thể đều có thể dẫn đến chấn thương. Đau cổ và khớp vai có thể là cơn đau tạm thời hoặc kéo dài và trở thành mãn tính. Nếu không chữa trị kịp thời, cổ và vai của bạn sẽ gặp những cơn đau liên tục do dây gân bị viêm hoặc rách. Jason Dufner là 1 trong số golfer chuyên nghiệp từng “trải nghiệm” với chấn thương cổ năm 2014.
Golfer bị đau cổ, vai nên:
- Có một cơ chế swing thích hợp với cơ địa và cách tốt nhất để làm điều này là hãy học swing bài bản từ HLV chuyên nghiệp.
- Phân phối sức mạnh và sự dẻo dai hợp lý trên hai vai và cơ bắp.
- Giảm tốc độ sau cú backswing để hạn chế áp lực lên đôi vai
4. Chấn thương đầu gối
Đây là dạng chấn thương mà nhiều golfer gặp phải. Tháng 8/2019, tay golf số 1 nước Mỹ Brooks Koepka không may gặp phải triệu chứng đau đầu gối. Anh đã trải qua phẫu thuật gối trái bằng liệu pháp thế bào gốc. Dù đã có tiến triển tốt nhưng cú ngã do sàn bê tông trơn ướt tại CJ Cup hồi tháng 9 đã khiến anh tái phát chấn thương và dẫn tới việc anh phải rút lui khỏi tuyển golf Mỹ.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây tai nạn hoặc chấn thương đầu gối có thể xuất hiện do golfer chưa khởi động kỹ trước khi vào sân, chơi khi người mệt mỏi, xoay nhanh khi quay người làm tăng áp lực lên các dây chằng…
Phương pháp phòng tránh chấn thương đầu gối:
- Sử dụng giày chuyên dụng khi chơi golf.
- Khởi động bằng cách kéo giãn và tăng cường các bài tập trước và sau khi chơi golf.
- Luôn luôn bắt đầu chơi golf nhẹ nhàng để cơ thể của bạn cần thời gian để làm quen.
- Chủ động dừng chơi trước khi cảm thấy đau và khó chịu ở đầu gối.
- Nếu bạn cho rằng mình bị chấn thương đầu gối, không nên cố gắng chơi. Chơi golf khi chấn thương đầu gối sẽ làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
5. Chấn thương bàn tay và ngón tay
Chuyển động với tốc độ nhanh và liên tiếp khi chơi golf sẽ gây ra tổn thương ở bàn tay và ngón tay. Thường gặp nhất là chứng viêm gân, gãy hoặc dị dạng xương ngón tay.
Để hạn chế chấn thương bàn tay và ngón tay, các golfer cần:
- Hạn chế đánh quá nhiều bóng trên các thảm tập golf
- Đánh bóng nhiều hơn trên mặt cỏ tự nhiên
- Phần grip của gậy nên được thay bằng loại to hơn, mềm hơn
- Giảm thiểu lực khi cầm gậy
6. Chấn thương hông
Cơ hông thường rất linh hoạt và có thể chịu đựng nhiều áp lực. Tuy nhiên, nó lại rất dễ bị chấn thương vì hàng lọat các chuyển động xoay vặn người khi chơi golf.
Khi thực hiện các động tác này, cơ hông bị phụ thuộc khá nhiều vào các tác động kéo, uốn cong, mở rộng và chúng lặp lại liên tiếp. Vì vậy, nó đòi hỏi cơ mông và cơ khép phải kết hợp xuyên suốt chặt chẽ. Chính những tác động xoay và trượt này sẽ khiến lưng dưới và khớp háng tổn thương.
Để hạn chế chấn thương hông, các golfer nên:
- Phân phối sức mạnh và sự dẻo dai hợp lý ở phần hông
- Nhặt banh bằng động tác squat, tránh gây áp lực cho hông
7. Viêm gân ở khuỷu tay
Viêm gân ở khuỷu tay phổ biến ở người chơi golf. Hội chứng đau khuỷu tay golf xảy ra khi có tổn thương ở vùng gân bên trong. Các chấn thương này càng tăng khi người chơi thực hiện cú swing.
Để hạn chế chấn thương gân ở khuỷu tay, các golfer nên:
- Tránh vận động quá mạnh khi thực hiện động tác backswing.
- Tránh thả tay ra quá sớm khi đang thực hiện cú backswing.
8. Chớp xoay
Chớp xoay ở vai có thể bị chấn thương từ những áp lực lớn khi thực hiện cú swing, đánh trúng vật cản như rễ cây, hòn đá hoặc do tập luyện quá sức. Đồng thời, những động tác lặp đi lặp lại khi chơi golf có thể khiến người chơi bị viêm dây chằng, viêm túi thanh mạc hoặc bị rách cơ vai. Cơn đau ở vai càng tăng khi người chơi thực hiện cú swing hoặc giơ tay cao quá đầu.
Để hạn chế chấn thương chớp xoay, các golfer nên:
- Phân phối sức mạnh và sự dẻo dai hợp lý trên hai vai và cơ bắp.
- Giảm tốc độ sau cú backswing
9. Chấn thương bàn chân và mắt cá
Chấn thương ở bàn chân xuất hiện khi người chơi golf mất thăng bằng bàn chân, thực hiện cú swing sai kỹ thuật, đánh bóng trên bề mặt không bằng phẳng.
Bong gân, viêm gân mắt cá hoặc xương bàn chân, phồng rộp chân là những chấn thương thường gặp.
Để tránh chân thương bàn chân, các golfer nên:
- Sử dụng giày chuyên dụng khi chơi golf.
- Khởi động bằng cách kéo giãn và tăng cường các bài tập trước và sau khi chơi golf.
Minh Tuệ