Thứ 7, 13/04/2024 01:03 GMT +7
Dòng sự kiện:

Cơ hội và thách thức khi doanh nghiệp Việt chuyển đổi số sau đại dịch

22:06 - 15/09/2021

(GolfViet) - Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu hiện nay, đặc biệt khi dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng và doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến CĐS trong hoạt động của mình nhằm vượt bão Covid-19.

Bài liên quan

Đó là nhận định của ông Lương Hoàng Hưng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, TBT Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo trong buổi workshop với chuyên đề “Bức tranh Chuyển đổi số sau đại dịch” qua hệ thống trực tuyến zoom chiều ngày 15/9 - mở màn cho chuỗi workshop “Doanh nghiệp trong xu thế Chuyển đổi số” do Trung tâm Quản lý Tài Sản Số (TSS), Viện Doanh nhân Việt Nam và Học viện UGA tổ chức. Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) là nhà bảo trợ.

Vì sao doanh nghiệp cần chuyển đổi số?

Mở đầu buổi workshop, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho biết câu chuyện chuyển đổi số thường xuyên được nhắc đến hai năm qua, nhất là khi dịch bệnh bùng phát và giãn cách làm cả nền kinh tế suy giảm và ngưng trệ. Từ đó, vai trò chuyển đổi số đã trở thành một xu thế khi hoạt động trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong kết nối và điều hành hoạt động doanh nghiệp.

Co-hoi-va-thach-thuc-khi-doanh-nghiep-Viet-chuyen-doi-so-sau-dich

Từ góc nhìn của Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm TGĐ Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc tế Stellar Management, CĐS đã góp mặt trong hầu hết lĩnh vực, từ công nghệ số, truyền thông số, TV số, marketing số, dữ liệu số, số liệu lớn (big data). Đồng thời, công nghệ và thế giới di động sẽ là tương lai của mọi mặt cuộc sống như dịch vụ, y khoa, ngân hàng,…

Giáo sư Hà Tôn Vinh cũng làm rõ nét hơn chặng đường phát triển và tác động từ internet. Chỉ trong gần 40 năm (1992 - 2021), từ số ít người dùng internet đã đạt hơn 4,6 tỷ người, chiếm khoảng 59,5% dân số thế giới. Trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin lần thứ 2 có sự kết hợp giữa máy tính và internet, châu Á nổi lên là điểm sáng với hơn 51% số người dùng internet toàn cầu. Cũng đến tháng 1/2021, Việt Nam có 68 triệu trong số 97 triệu dân sử dụng internet, đạt tỷ lệ 70%.

Riêng tại Mỹ, 55% các công ty khởi nghiệp đều có chiến lược CĐS, 89% các tổ chức hiện tại đã có chiến lược chuyển đổi số hoặc đã sử dụng công nghệ số. Trong đó, dịch vụ, tài chính và y tế có tỷ lệ chuyển đổi số cao nhất, lần lượt ở mức 95, 93 và 92%. Với lĩnh vực giáo dục (89%), dịch Covid-19 đã làm tăng sự hiện diện của công nghệ thông tin và internet qua các buổi họp, hội nghị, toạ đàm trực tuyến.

Thông qua CĐS, doanh nghiệp sẽ đem lại cho khách hàng trải nghiệm mới và thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa hai bên; nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp quyết định chính xác, dễ dàng, nhanh chóng và nâng cao khả năng sáng tạo.

GS Hà Tôn Vinh đã làm rõ hơn vấn đề tại sao doanh nghiệp lại chuyển đổi số trong buổi workshop chiều 15/9

GS Hà Tôn Vinh đã làm rõ hơn vấn đề tại sao doanh nghiệp lại chuyển đổi số trong buổi workshop chiều 15/9

“Lấy ví dụ từ Amazon, ông lớn bán lẻ trực tuyến này đã tăng 2000% giá trị thị trường, từ 17,5 tỷ USD lên 365 tỷ USD trong một thập kỷ (2006-2016). Ngược lại, những doanh nghiệp truyền thống không thay đổi, không làm mới mình như Sears cùng kỳ giảm tới 96% giá trị thị trường (từ 28 tỷ còn 1,1 tỷ USD)”, Giáo sư Hà Tôn Vinh chia sẻ.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á (SEA) năm 2020 được công bố vào tháng 11/2020 từ Google, Temasek và Bain&Company, nền kinh tế của Việt Nam đạt tăng trưởng 16% với trị giá 14 tỷ USD - cao nhất  khu vực ASEAN. Nếu chuyển đổi số thành công, dự báo GDP đến 2045 của nước ta có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, với tác động bình quân đến tăng trưởng GDP hàng năm vào khoảng 1,1 tỷ USD.

Bàn luận về yếu tố cần và đủ khi doanh nghiệp trong nước thực hiện CĐS, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó CT Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên Việt PostBank cho biết Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế như: Đường lối, chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Chính phủ về cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS; Khát vọng về xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường. Nước ta cũng không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi từ mô hình cũ, công nghệ cũ trong khi hạ tầng công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng CNTT tăng nhanh chóng. Thêm vào đó là nguồn nhân lực trẻ trí thức, ham học hỏi, sáng tạo và có khát vọng làm giàu; điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu và tài nguyên,…

“Cuộc CMCN 4.0 đánh dấu điểm gẫy (điểm dị biệt) trong tiến trình phát triển tuần tự của các cuộc cách mạng trước, sẽ tạo nên sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực về nhận thức, thể chế, công nghệ, quản trị điều hành, nghiên cứu sản xuất, thương mại, dịch vụ tiêu dùng,… CMCN 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số tạo cơ hội cho các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân có thể cùng bước vào vạch xuất phát điểm của cuộc đua chuyển đổi số với rất nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua”, ông Đình Thắng làm rõ.

Các chuyên gia giải đáp những vấn đề “cốt lõi” trong chuyển đổi số của Doanh nghiệp Việt trong buổi workshop chiều 15/9

Các chuyên gia giải đáp những vấn đề “cốt lõi” trong chuyển đổi số của Doanh nghiệp Việt trong buổi workshop chiều 15/9

Dù vậy, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Các yếu tố như thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa hoàn thiện và đáp ứng vai trò kiến tạo trong cuộc CMCN 4.0 và CĐS. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có nền tảng công nghiệp công nghệ cao. Đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ sáng tạo, nhân lực chưa thực sự được quan tâm, tỷ lệ đầu tư thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Giai đoạn hậu Covid-19, quá trình CĐS chịu thêm thách thức khi doanh nghiệp suy yếu về “sức khoẻ”, phải nối lại hệ sinh thái, thiếu nguồn nhân lực trong khi nhu cầu của người dân, khách hàng doanh nghiệp suy giảm, đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài chuyển đi nước khác trong khu vực.

Dịch bệnh là thời cơ để các doanh nghiệp, trong đó có ngành golf bước vào chuyển đổi số, song cũng cần sẵn sàng đương đầu với rủi ro, bao gồm pháp lý, tài chính, an ninh mạng và con người, tránh chuyển đổi theo phong trào hay chuyển đổi không đúng, không trúng nhu cầu doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp cần xác định mình đang nằm ở đâu, điểm yếu, mạnh về hạ tầng, công nghệ, con người, dữ liệu khách hàng,… và lộ trình chuyển đổi để tiết kiệm chi phí mà vẫn đem lại hiệu quả bởi đây là chặng đường dài. Doanh nghiệp cũng nên thuê công ty tư vấn độc lập bởi họ có kinh nghiệm và công cụ chẩn đoán, thực hiện chính xác”, ông Nguyễn Hoàng Lê, TGD Công ty Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr. SME thông tin.

Thanh Bình

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT