Thứ 6, 22/11/2024 03:20 GMT +7
Dòng sự kiện:

Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết Nguyên đán

09:00 - 29/01/2022

GolfViet) - Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, Tết đại diện cho sự kiện đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, mang nhiều ý nghĩa may mắn. Đây còn là dịp để mọi người đoàn tụ, quây quần bên nhau, cùng hướng về cội nguồn.

Bài liên quan

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết cổ truyền… diễn ra vào tháng Giêng hàng năm. Theo truyền thống, tháng Giêng là thời gian nghỉ ngơi sau một mùa vụ của người dân Việt xưa. Ngày Tết, nhà nào cũng có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” cùng “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Nguồn gốc ra đời của ngày Tết Nguyên đán

Tết là đọc chệch từ chữ Tiết, nguyên có nghĩa là sự khởi đầu và đán là buổi sáng sớm. Tết Nguyên đán là khoảng thời gian đầu của năm mới, ngày nay được gọi tắt là Tết.

Trên thế giới, các quốc gia Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc… đều coi Tết Nguyên đán là tết cổ truyền dân tộc và cũng là kỳ nghỉ dài nhất năm. 

Nhiều thông tin cho rằng Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm thời Bắc thuộc. Tuy nhiên, trước khi chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, người Việt đã có một nền văn minh sơ khai rực rỡ. 

Tet-Nguyen-dan-la-gi-

Theo sự tích “Bánh chưng bánh dày”, người Việt đã có phong tục đón Tết từ trước thời vua Hùng, tức là trước 1000 năm Bắc thuộc. Đồng thời, do cách tính lịch âm khác nhau nên Tết của người Việt không trùng với Tết của người Trung Quốc.

Điều này khẳng định Tết đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu, trước thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Khổng Tử đã viết trong cuốn Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”. Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan Lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. Như vậy, có thể nói Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tết, đi xa để trở về

Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán không chỉ để ăn mừng, nghỉ ngơi mà còn thể hiện dấu ấn tâm linh, văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa. Theo quan niệm phương Đông, Tết là sự kiện cho thấy sự giao hòa trời đất và con người được thần linh chứng giám nên mọi thứ đều phải được chuẩn bị thật sớm và mới. 

Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tức là ngày tiễn ông Táo về trời. Sau đó là khoảng thời gian dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và mua sắm đón Tết. Tùy theo vùng miền, hoàn cảnh gia đình mà mỗi nhà có một cách đón Tết khác nhau. Tuy nhiên dù ở đâu thì bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả vẫn là thứ không thể thiếu. Nhiều nhà còn có thú chơi hoa Tết, miền Bắc thích hoa đào, miền Nam chuộng hoa mai, hay có nơi lại thích chậu quất, hoa vạn thọ, hoa giấy… 

su-tich-dao-mai

Thời khắc bước sang năm mới là giao thừa. Lúc này, người dân thường làm mâm cỗ để cúng gia tiên và thiên địa, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho một năm mới tốt lành, thịnh vượng. 

Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt Nam dù ở nơi đâu cũng đều mong trở về sum họp bên gia đình, cùng nhau đi thăm hỏi, chúc sức khỏe bà con, hàng xóm láng giềng. Đây còn là ngày để mọi người tạm gác lại công việc bộn bề, tiếp thêm hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi. 

Người xưa có câu “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” nhằm nhắc nhở con cháu không quên công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, ơn dạy dỗ của thầy cô. Chính vì thế mà mừng tuổi, chúc Tết cha mẹ, thầy cô đã trở thành phong tục thể hiện nét đẹp đạo đức đồng thời thắt chặt tình cảm gia đình, xã hội. 

nguyen-dan-3

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, con người cũng bận rộn hơn. Tết nay không còn giống Tết xưa, nhiều tục lệ, lễ nghi không còn; ngày Tết cũng được đơn giản hóa để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Thế nhưng điều đáng trân trọng nhất là từng thế hệ người Việt vẫn giữ được giá trị cội nguồn, cái hồn của dân tộc trong ngày Tết Nguyên đán. 

Ngọc Trang

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT