Tìm hiểu phong tục lì xì vào dịp Tết Nguyên Đán
(GolfViet) - Lì xì là một trong những phong tục tốt đẹp ngày Tết Nguyên Đán. Cũng vì vậy mà người Việt thường nói rằng “thấy lì xì là thấy Tết”. Cùng GolfViet tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục này.
Nguồn gốc của phong tục lì xì vào Tết Nguyên đán
“Lì xì” bắt nguồn từ tiếng Trung, là phiên âm của từ “lợi thị” (利市), có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Chính vì vậy, khi phong tục này du nhập vào Việt Nam, người Việt thường tin rằng tiền lì xì là tiền lộc, mang lại điều tốt và sự may mắn cho cả năm.
Nói về nguồn gốc của phong tục lì xì, phải nhắc đến một truyền thuyết lâu đời của Trung Quốc. Cụ thể, cứ vào đêm Giao thừa trong dân gian sẽ xuất hiện một con yêu quái. Nó sẽ xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ say làm cho chúng lên cơn sốt và trở nên ngớ ngẩn. Ở một làng nọ, có cặp vợ chồng 50 tuổi rồi mới có một mụn con trai. Cũng như các gia đình có con nhỏ khác, vào dịp Tết đến họ cũng nơm nớp lo sợ con yêu quái làm hại con mình. Nhưng rồi may mắn có 8 vị tiên đi dạo qua ngôi nhà này và biết cậu bé sẽ gặp họa nên đã biến thành 8 đồng tiền xu, cha mẹ cậu bé này lấy 8 đồng tiền xu này gói vào một mảnh giấy đỏ đặt bên cạnh gối của con mình nằm. Vào đêm Giao thừa, con yêu quái xuất hiện nhưng bị hoảng sợ bởi khi lại gần những đồng tiền xu lóe lên và sau đó bỏ chạy.
Kể từ đó, câu chuyện được lan truyền khắp nơi. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người lớn lại lấy tiền bỏ vào phong bì đỏ để lì xì cho trẻ con lấy may mắn.
Ý nghĩa của phong tục lì xì vào Tết Nguyên đán
Mặc dù phong tục lì xì đầu năm có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, phong tục này đã dần "thuần Việt" và trở thành một nét đẹp truyền thống của nhân dân ta.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, không chỉ có người trong gia đình lì xì cho nhau mà hàng xóm, bạn bè khi đến nhà chơi cũng sẽ lì xì nếu nhà gia chủ có trẻ em. Ngoài ra thì vào mỗi dịp Tết, con cháu trong nhà cũng sẽ chúc thọ, chúc Tết và tặng kèm những phong bao lì xì cho ông bà, bố mẹ của mình. Việc lì xì bằng tiền không chỉ giới hạn trong ngày mùng một Tết mà có thể thực hiện trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận mùng 9, mùng 10.
Lì xì đầu năm là phong tục tốt đẹp với mong muốn trao an lành, may mắn cho người nhận trong những ngày đầu năm mới. Phong bao lì xì thể hiện cho sự kín đáo, không so bì dẫn đến tị nạnh, xích mích. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho sự may mắn, hy vọng. Lì xì tượng trưng cho tài lộc.
Đời sống phát triển, cuộc sống tuy hối hả, bon chen nhưng thật may mắn vì phong tục lì xì vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay, trở thành một nét đẹp không thể thiếu vào mỗi dịp Tết của Việt Nam ta.
Như Quỳnh