Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng gay gắt, cần đề phòng nguy cơ đột quỵ
(GolfViet) - Tham gia bộ môn thể thao ngoài trời như golf, các golfer cần đề phòng tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hôm nay (21/5), vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam nên nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt sẽ xảy ra ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 40 độ C. Riêng vùng núi phía Tây của Trung Bộ có nơi 41 - 42 độ C. Các nơi khác của Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40 - 50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10 - 17 giờ.
Bên cạnh đó, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng nằm trong khoảng từ 8-10, tương đương mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Ngoài làm tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư, nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và Trung Bộ, các chuyên gia còn khuyến cáo, nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi hoạt động trực tiếp lâu dưới nền nhiệt độ cao.
Với tình hình thời tiết hiện tại, golfer nên hạn chế ra sân để tránh những tác động đến sức khỏe. Nếu vẫn ra sân, cần lưu ý các biện pháp bảo vệ cần thiết phòng ngừa sốc nhiệt, mất nước, chọn trang phục chống nắng và thời điểm chơi hợp lý để có vòng golf an toàn.
Cần làm gì khi bị sốc nhiệt?
Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể quá nóng, ở lâu nơi có nhiệt độ cao khiến thân nhiệt lên tới 40 độ C hoặc cao hơn. Khi ấy, người bị sốc nhiệt do mất muối và nước kéo dài, trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể hoạt động quá tải.
Sốc nhiệt là tai biến nặng nhất do nhiệt, tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ. Bên cạnh đó, tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh. Triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và hôn mê.
Vì vậy, cần nhanh chóng sơ cứu sốc nhiệt tạm thời bằng cách cho người bị nạn nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao. Nhanh chóng làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt, ngâm trong nước mát vài phút kết hợp dùng khăn sũng nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... Sau khi sơ cứu, cần chuyển người bị nạn tới bệnh viện sớm nhất (chia sẻ từ Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị trên VnExpress).
Bình Nguyên