Du lịch toàn cầu thiệt hại 2.000 tỷ USD vì dịch bệnh
(GolfViet) - Cùng với dự báo ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 2.000 tỷ USD trong năm 2021, Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) hôm 29/11 cũng nhận định sự phục hồi của ngành này là “chậm” và “mong manh”.
Có trụ sở tại Madrid, dự báo của UNWTO đưa ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang phải ứng phó với biến thể Omicron, cũng đang lan rộng toàn cầu. Đến nay, biến chủng Omicron - được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên ngày 26/11 cho biến chủng B.1.1.529 phát hiện tại Nam Phi và xếp vào loại “đáng quan tâm”, với các ca mắc đã được ghi nhận ở Nam Phi, Botswana, Hồng Kông, Đức, Anh, Italia, Bỉ, Israel, Hà Lan, Đan Mạch, Australia và Canada.
Theo UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế trong năm nay vẫn ở mức thấp hơn từ 70 đến 75% so với con số 1,5 tỷ lượt khách ghi nhận vào năm 2019, thời điểm trước khi xuất hiện dịch bệnh. Năm trước, lượng khách cũng sụt giảm tương tự, với khoản thất thu 2.000 tỷ USD (1.780 tỷ euro), khiến du lịch trở thành một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Mặc dù không đưa ra dự báo khả năng phục hồi hoạt động của ngành này trong năm tới song cơ quan phụ trách xúc tiến xu lịch của LHQ cho biết triển vọng trung hạn “không khích lệ”.
“Bất chấp những cải thiện gần đây, tỷ lệ tiêm vaccine không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới và sự xuất hiện của những biến thể Covid-19 mới như Delta, Omicron có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi vốn đã chậm và mong manh của ngành du lịch”, UNWTO cho biết trong một tuyên bố.
“Việc áp dụng các biện pháp hạn chế và phong toả mới ở một số quốc gia trong vài tuần trở lại đây cho thấy diễn biến rất khó lường”, người đứng đầu UNTWTO Zurab Pololikashvili nói với AFP. Tuy nhiên, ông Pololikashvili bày tỏ hy vọng tình hình 2022 sẽ khả quan hơn nhiều so với năm 2021 bởi du lịch là ngành có khả năng phục hồi khá nhanh. Trước đại dịch, ngành du lịch chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm của thế giới.
UNWTO cũng nhận định dù ngành du lịch trong quá khứ đã chịu thiệt hại do dịch bệnh bùng phát nhưng đại dịch Covid-19 là chưa từng có về mặt địa lý. Ngoài các lệnh hạn chế đi lại liên quan, du lịch còn thêm ảnh hưởng từ nền kinh tế trì trệ vì dịch bệnh, giá dầu tăng vọt và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Bên cạnh đó, sự khác biệt trong quy định phòng chống dịch, cách ly của mỗi quốc gia còn làm cho du khách cảm thấy bối rối và không biết làm thế nào để đi du lịch.
Ngay cả khi khách du lịch dần tăng trở lại ở Bắc bán cầu vào mùa hè qua nhờ nhiều quốc gia nới lỏng các hạn chế nhập cảnh, tỷ lệ tiêm chủng tăng và niềm tin của du khách nhưng ở các khu vực khác vẫn chưa có dấu hiệu và tốc độ phục hồi khả quan, xuất phát từ các bài toán trên chưa được gỡ rối. Nếu một số hòn đảo ở Caribe, Nam Âu hay điểm đến ở Địa Trung Hải đã đón khách du lịch gần bằng hoặc vượt qua mức trước đại dịch thì tại châu Á và Thái Bình Dương, lượng khách du lịch đã giảm đến 95% so với 2019 do nhiều điểm đến chưa mở cửa lại.
Tổ chức này cho biết hiện có 46 quốc gia - chiếm 21% số điểm đến trên thế giới vẫn đóng cửa hoàn toàn với khách du lịch quốc tế; 55 quốc gia khác đóng cửa biên giới một phần trong khi mới chỉ bốn nước đã dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế đi lại, gồm Colombia, Costa Rica, CH Dominica và Mexico.
Thảo Phạm