Golfer kêu trời vì hàng loạt sân golf tại Việt Nam bất ngờ tăng giá
(GolfViet) - Thời gian gần đây, chi phí chơi golf có xu hướng đồng loạt tăng giá, nhiều sân có mức tăng đột biến khiến golfer không khỏi bối rối vì tình hình thu nhập của mọi người đều bị giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong giai đoạn nghỉ dịch, nhiều người bận rộn đã có thời gian để gia nhập môn golf, đồng thời cũng nhờ sự phát triển về hệ thống chơi golf trong nhà (3D) đã giúp cho golfer mới có cơ hội tập luyện golf. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng golfer tăng trưởng đột biến.
Khi các tỉnh, thành phố bắt đầu mở cửa lại vào cuối tháng 9 và tháng 10/2021, những sân golf mênh mông là một trong những không gian “an toàn” đầu tiên có thể quay trở lại hoạt động sau dịch. Và môn thể thao golf lập tức thu hút người chơi vốn đang mệt mỏi sau những ngày dài thu mình trong nhà.
Và chỉ một thời gian ngắn sau, nhiều sân golf tại Việt Nam đồng loạt công bố bảng giá mới, hầu hết đều được "thiết kế" theo xu hướng tăng.
Xét theo mặt bằng chung, vào năm 2012 - 2013, để chơi golf thuần túy nếu là thành viên, golfer cần trả 400 ngàn đồng/lần, tốn thêm 400 - 700 ngàn đồng cho ăn uống sinh hoạt. Tiền mua bóng, giày dép, quần áo cả năm tốn khoảng 100 triệu đồng. Nếu muốn trở thành thành viên của một sân golf, golfer cần chi thêm 900 triệu-1,5 tỷ/năm.
Năm 2020, mức phí chơi golf đối với hội viên dao động khoảng 700 ngàn đồng - 1 triệu đồng cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên phải trả từ 1,4 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Phí cho khách vãng lai khoảng 2 triệu đồng - 2,5 triệu đồng (có thể tăng thêm vào cuối tuần).
Ngoài ra, người chơi còn phải thuê xe điện, thuê caddy (nhân viên kéo gậy) và boa cho họ, khoảng 300.000 đến một triệu đồng.
Đến nay, chi phí đã đội lên khá nhiều, thậm chí có nơi tăng đến 20%. Có thể kể đến một số cái tên như: sân golf Thủ Đức, sân golf Tân Sơn Nhất, Taekwang Jeongsan Golf & Country Club, sân golf Đồ Sơn,...
Ví dụ như sân golf Tân Sơn Nhất, năm 2020 phí chơi 18 lỗ vào thứ Hai là 1,9 triệu đồng nhưng đến nay đã tăng lên 2,3 triệu đồng; phí chơi 18 lỗ vào cuối tuần từ 2,6 triệu đồng tăng lên 3,6 triệu đồng.
Theo khảo sát, một số sân golf khác cũng có mức phí vào sân được tính theo giờ như Tam Dao Golf Resort, Dai Lai Golf Club, Thanh Lanh Valley and Resort, Legend Hill Golf Resort, Tuần Châu Golf Resort.
Cụ thể, mức phí vào sân rẻ nhất rơi vào khung giờ từ 5h đến 9h sáng ngày thứ hai hàng tuần và đắt nhất là vào ngày cuối tuần (thứ 7 và chủ nhật). Tùy thuộc vào mỗi sân mà mức giá trên có hoặc không có suất ăn nhẹ, nước uống, caddie (nhân viên phục vụ trên sân golf).
Với sân Tuần Châu Golf Resort chỉ có 2 mức phí là sau 15h và trước 15h. Theo đó, trước 15h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 là 1,5 triệu đồng, sau 15h là 1,8 triệu đồng. Còn thứ 7, chủ nhật trước 15h là 2,5 triệu đồng, sau 15h là 2,8 triệu đồng.
Sân golf Thủ Đức cũng neo theo thị trường, tăng giá của hầu hết các dịch vụ. Giá ngày thường dao động từ 1,85 triệu đồng nay tăng lên 2,5 triệu đồng. Giá cuối tuần khoảng 2,0 triệu đồng nay tăng lên 3,6 triệu đồng.
Từ ngày 1/11/2022, sân Taekwang Jeongsan Country Club cũng bắt đầu tăng giá. Theo đó, phí chơi 18 hố trong ngày thường là 2 triệu đồng, ngày cuối tuần từ 2,8 triệu đồng đến 3 triệu đồng tùy vào giờ chơi. Trước đó, vào năm 2020, mức giá cao nhất cũng chỉ 1,19 triệu đồng.
Phí chơi sân 18 hố của hệ thống Vinpearl Golf ngày thường dao động 1,6- 1,95 triệu đồng, cuối tuần cao hơn, là 2,05 - 2,35 triệu đồng. FLC Golf áp dụng phí 1,5 - 1,7 triệu đồng cho ngày thường, 2,1 - 2,5 triệu đồng cho ngày cuối tuần.
Để theo đuổi môn golf, người chơi vốn phải chi hầu bao khá nhiều, nay phí sân lại tăng lên đáng kể khiến nhiều golfer bức xúc. Họ cho rằng mọi ngành nghề đều đang gặp khó khăn, không có lý do gì tăng giá quá nhiều gây ra lạm phát như vậy.
Ông Thân Thanh Vũ - Chủ tịch VnTPA Golf Club chia sẻ: "Trong thời buổi kinh tế khốn khó, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; doanh nhân, người quản lý và người dân đau đầu áp lực đã tìm đến thể thao để thư giản giảm stress. Phần lớn đều có tuổi trung bình trên 45 rất khó để chơi các môn thể thao khác đòi hỏi thể lực, tốc độ, sức bền,....nên golf được nhiều người lựa chọn.
Việc nhiều sân golf tăng phí dịch vụ lên cao khiến nhiều golfers bức xúc. Cho dù việc tăng phí dịch vụ bằng bất kỳ lý do gì đều không hợp lý vì khách hàng chính là các golfers cũng đang gặp khó khăn chung do tình hình kinh tế. Nhìn biểu phí nhiều golfers thực sự rất sốc, nếu tính cả phí cho caddy thì cộng lại chi phí 1 lần chơi cuối tuần lên tới gần 5 triệu đồng. Có người nói phí chơi 1 trận golf cuối tuần gần bằng lương cả tháng của 1 người lao động trung bình ở Việt Nam".
Ông Vũ cũng tiết lộ, nhiều golfers và hội viên VnTPA Golf Club cho rằng, việc tăng phí mà không tham khảo ý kiến của các golfers - chính là các khách hàng mang lại nguồn thu nhập lợi nhuận hàng ngày cho các sân golf, là xem thường khách hàng và thể hiện lợi thế độc quyền.
Khép lại chủ đề tìm hiểu về tình hình giá chơi golf có xu hướng tăng sau mùa dịch, hy vọng rằng các sân golf và golfer sẽ tìm được tiếng nói chung. Vì một cộng đồng golf Việt Nam phát triển bền vững, việc đưa ra mức phí chơi golf cần được xây dựng và phản ánh đúng biến động nhu cầu của thị trường.
Ngọc Ngân