Mâm ngũ quả ngày Tết gồm những gì? Ý nghĩa của mâm ngũ quả
(GolfViet) - Mâm ngũ quả ngày Tết là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa của người Việt, thể hiện lòng thành kính và mong ước của gia chủ trong năm mới.
Ước vọng năm mới gửi gắm trong mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả được xuất phát từ đạo Phật và được nhắc đến trong kinh Vu Lan Bồn với hình ảnh 5 loại quả có 5 màu khác nhau. Nó tượng trưng cho “ngũ thiện căn”: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Bên cạnh đó, người ta còn tin rằng số 5 đại diện cho ngũ phúc lâm môn: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên). Sự kết hợp của 5 loại phúc này tạo nên một cuộc đời mỹ mãn.
Trái cây thường dùng trong mâm ngũ quả đều mang ý nghĩa may mắn. Bưởi, dưa hấu ngụ ý sự đủ đầy, trọn vẹn; Lựu tượng trưng cho con cháu đầy đàn, sum vầy; Sung là sự cầu mong một năm sung túc; Chuối đại diện cho sự che chở...
Mâm ngũ quả được đặt trang trọng trên bàn thờ để dâng lên ông bà, tổ tiên. Các loại quả trong mâm thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc và cách sắp xếp.
Cách bày mâm ngũ quả
Tùy vào đặc trưng mà mỗi vùng miền và sở thích của mỗi gia đình sẽ có cách bày mâm ngũ quả phù hợp.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường phải đầy đủ màu sắc theo thuyết ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ với các màu tương ứng theo thứ tự: Trắng - Xanh lá - Đen - Đỏ - Vàng.
Đặc biệt, trong mâm gần như không thể thiếu nải chuối xanh và quả bưởi.
Mâm ngũ quả miền Trung
Miền Trung là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất nước ta, thường xuyên phải chịu các tác động của thiên nhiên nên việc trồng trọt rất khó khăn. Vì vậy, người dân nơi đây không quá chú trọng vào hình thức, quả gì cũng được miễn là tươi ngon để thể hiện tấm lòng thành kính đối với tổ tiên.
Thường thì người miền Trung sẽ sử dụng các loại quả: thanh long, chuối, dứa, mãng cầu, dừa, dưa hấu, cam… cho mâm ngũ quả của gia đình.
Mâm ngũ quả miền Nam
Nếu như ở miền Bắc, chuối tượng trưng cho sự bảo bọc của đất trời thì người miền Nam lại cho rằng vỏ chuối trơn trượt sẽ khiến việc làm ăn đi xuống. Một số nhà miền Nam cũng không bày quả cam vì nó sẽ khiến cả nhà chịu sự gò bó, “cam chịu”.
Mâm ngũ quả ở miền Nam thường có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung ngụ ý “Cầu vừa đủ xài sung”.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người cũng ngày càng cải thiện. Mâm ngũ quả cũng được biến hóa để phù hợp với cuộc sống hiện đại và sở thích của giới trẻ. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng nhất là dù có thế nào người ta vẫn thấy mâm ngũ quả trên bàn thờ gia đình Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.
Hoàng Tâm