Thứ 3, 19/11/2024 09:36 GMT +7
Dòng sự kiện:

Mức tiền thưởng nhà vô địch FLC Vietnam Masters nhận được qua các năm

12:31 - 26/11/2020

(GolfViet) - Sau Lexus Challenge, FLC Vietnam Masters chính là sự kiện có quỹ tiền thưởng cao nhất trong số giải đấu dành cho golfer chuyên nghiệp Việt Nam.

Bài liên quan

Ra đời vào tháng 9/2017, giải golf nhà nghề đầu tiên của Việt Nam (VPGA Tour) là sự kiện mang tính lịch sử, mở ra một sân chơi đỉnh cao làm tiền đề thúc đẩy cho sự phát triển phong trào golf ngày càng quy mô và chuyên nghiệp. Đồng thời, giải đấu ở sân FLC Golf Links Sam Son tạo cơ hội kiếm tiền cho các golfer chuyên nghiệp, những người trước đó đa số sống với nghề bằng cách mở trung tâm đào tạo, đi dạy golf. Một số ít đấu thủ, đếm trên đầu ngón tay có thể dự giải quốc tế nhưng gặp nhiều khó khăn về tài chính, chuyên môn,…

Sau nhiều năm ấp ủ, giải chuyên nghiệp đầu tiên của hệ thống giải VPGA Tour đã khép lại thành công vào năm 2017 (Ảnh: VGM)

Sau nhiều năm ấp ủ, giải chuyên nghiệp đầu tiên của hệ thống giải VPGA Tour đã khép lại thành công vào năm 2017 (Ảnh: VGM)

Ngay mùa đầu tiên tổ chức, FLC Vietnam Masters 2017 có tổng mức tiền thưởng đạt 50.000 USD, trong đó nhà vô địch lĩnh 200 triệu đồng. Ở thời điểm mà golf Việt Nam còn non trẻ thì đây là số tiền tương đối lớn tại sân chơi quốc gia và không thua kém với đất nước mà golf phát triển, được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của nền kinh tế như Thái Lan. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên một giải đấu quy tụ đầy đủ 4 trọng tài R&A Level 3 khi ấy tham gia điều hành và công tác truyền thông giải được chú trọng với 4 ngày truyền hình liên tục, rộng rãi trên các trang báo uy tín. Năm này, golfer Việt kiều Andy Chu Minh Đức đăng quang ở điểm -1.

Bước sang năm thứ hai, giải khởi tranh tại sân Ocean thuộc FLC Golf Links Quy Nhon cùng nhiều đổi mới, tiếp tục quy tụ những golfer chuyên nghiệp và nghiệp dư hàng đầu nước nhà. Giải duy trì quỹ thưởng 1 tỷ đồng và mức phân chia tiền thưởng không thay đổi. Đặc biệt, trong năm mở rộng quyền tham dự cho cả golfer là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam, chức vô địch FLC Vietnam Masters 2018 đã thuộc về tay golf Thái Lan Annop Tangkamolprasert, với điểm -6.

Nhà vô địch FLC Vietnam Masters qua ba mùa

Nhà vô địch FLC Vietnam Masters qua ba mùa

Đến năm 2019, FLC Vietnam Masters càng khẳng định sức hút về một giải đấu chuyên nghiệp, bài bản và quy mô khi quy tụ hơn 100 golfer người Việt và nước ngoài, đạt đỉnh về lượng người chơi dự giải qua các năm. Cuộc đua tìm ra người chiến thắng cuối cùng trên sân FLC Golf Club Ha Long trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với màn đấu tay đôi giữa đấu thủ Hàn Quốc Park Sang Ho và golfer số một Việt Nam Trần Lê Duy Nhất. Chiến thắng giàu cảm xúc dưới màn mưa ở hố phụ thứ ba giúp Duy Nhất lĩnh số tiền 203,5 triệu đồng.

Trong lần trở lại sau quãng thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19, FLC Vietnam Masters 2020 quay về nơi bắt đầu: Sân FLC Golf Links Sam Son, từ 30/11 – 5/12. Giải năm nay có sự thay đổi về quy chế trao thưởng. Cụ thể, trong quỹ giải được duy trì là 1 tỷ đồng, golfer chuyên nghiệp đạt thành tích tốt nhất sau bốn vòng sẽ lĩnh 18% tổng quỹ thưởng, tương đương 180 triệu đồng. Mức thưởng này ít hơn các mùa trước 20 triệu đồng do BTC quyết định nâng số người chơi qua cắt loại, từ 40 golfer lên golfer trong top hoặc T50 giành quyền đi tiếp.

Tuy nhiên, golfer thi đấu với tư cách nghiệp dư vẫn không được phép nhận tiền thưởng. Trái lại, họ sẽ được cộng điểm trên bảng xếp hạng nghiệp dư thế giới WAGR nếu đạt thành tích tốt, tiếp thêm động lực tranh tài và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giải, những người chơi không chuyên sẽ phải có Handicap Index từ 7.0 trở xuống, thay vì 9.0 như giải năm ngoái.

Thanh Bình

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT