Những “lầm tưởng” khi tập luyện golf và cách khắc phục
(GolfViet) - Với bất kỳ môn thể thao nào, tập luyện luôn là điều cần thiết và là yếu tố tiên quyết để nâng cao trình độ, ngay cả với người chơi chuyên nghiệp. Trong quá trình luyện tập, dù ở trên sân hay sân tập, cần chú ý để tránh mắc phải những lỗi sau.
Kỹ thuật là tất cả
Đây là suy nghĩ của không ít người chơi, nhất là những golfer mới. Tuy rất quan trọng nhưng kỹ thuật không phải là yếu tố duy nhất giúp bạn cải thiện điểm số trên sân. Ngoài kỹ thuật, những yếu tố như chiến thuật, tâm lý, thể lực hay dụng cụ đều có thể ảnh hưởng ít nhiều trong một vòng đấu.
Thực tế, nhiều golfer dành phần lớn thời gian cho việc hoàn thiện cú swing mà không để ý tới những cú đánh khác. Khi thực hiện một cú đánh không tốt trên sân, nguyên nhân chính có thể do kỹ thuật swing nhưng cũng có thể do đứng không đúng hướng, chọn sai gậy hoặc quá nôn nóng vì cú đánh hỏng trước đó. Bạn không nhất thiết phải luôn đánh được đường bóng thật thắng để chơi tốt mà chỉ cần biết đường bóng của mình sẽ cong theo hướng nào, từ đó có khả năng bù trừ và đưa bóng xoáy về hướng mục tiêu. Một chiến thuật tưởng chừng như đơn giản đôi khi lại hiệu quả hơn bạn nghĩ. Nhiều người chơi chuyên nghiệp cũng hay sử dụng những đường bóng cong từ trái qua phải hoặc phải qua trái với những cú đánh xa tiếp cận green bởi đường bóng cong có xác suất dừng bóng gần mục tiêu cao hơn, sau khi tiếp xúc với bề mặt dốc nghiêng của green.
Cầm gậy chặt và tay trái luôn thẳng
Câu “thần chú” này chắc hẳn quen thuộc với những người mới bắt đầu tập môn golf. Trên thực tế, việc cầm gậy chặt sẽ tạo ra ít nhiều áp lực không cần thiết giữa các đốt ngón tay. Các ngón tay khi xiết chặt cũng sẽ khiến cổ tay căng cứng và vì thế lực văng tự nhiên khi gậy chuẩn bị tiếp xúc với bóng sẽ giảm đáng kể. Với những golfer có khoảng cách phát bóng xa, cổ tay của họ thường được thả lỏng và vì thế luôn có được tốc độ đầu gậy cao khi tiếp xúc bóng.
Điều này tương tự như vậy với khuỷu tay, khi người chơi tìm cách giữ cánh tay trái quá thẳng khi đưa gậy lên. Cánh tay quá thẳng sẽ vô tình gây ra áp lực tại đốt khuỷu tay và việc gồng cánh tay khi cố làm việc đó rất dễ gây chấn thương, làm giảm tốc độ di chuyển trong khi đưa gậy xuống. Tay trái thẳng có thể tốt nhưng sẽ chỉ tốt trong trạng thái thả lỏng. Khi thả lỏng, khớp cổ tay và khuỷu tay chắc chắn giúp cải thiện tốc độ đầu gậy.
Tay phải “khép nách”
Cũng là một khẩu quyết khác nhưng không phải lúc nào cũng vậy! Việc khuỷu tay phải tách quá xa cơ thể khi đưa gậy lên và xuống chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc tiếp xúc bóng. Tuy nhiên, tay không cần thiết phải giữ quá gần cơ thể.
Trong khi di chuyển, sự kết nối giữa hai cánh tay và ngực cũng chính là chuyển động chính của nửa trên cơ thể và vì thế việc giữ hai khuỷu tay luôn ở trước ngực là cần thiết. Với phần nửa trên cơ thể hoàn toàn kết nối và di chuyển cùng nhau, bạn hoàn toàn có thể swing không đắn đo theo đúng nhịp điệu của mình. Tuy nhiên nếu cánh tay phải khép quá sát vào cơ thể, bạn sẽ trở nên gò bó và khó phát huy được hết tốc độ đầu gậy. Vì thế hãy tìm cách giữ khoảng cách nhất định giữa cánh tay và cơ thể trong khi swing.
Giữ nguyên đầu khi nhìn xuống
Có không ít người chơi khi tập được hướng dẫn nhìn lâu vào vị trí bóng ban đầu dù bóng đã bay đi. Lời khuyên này có lẽ chỉ nên áp dụng với những golfer có xu hướng thoát khỏi tư thế trong khi swing như việc trùng đầu gối khác nhau hay đứng lên hơi sớm.
Việc giữ nguyên đầu tại một chỗ ngay cả khi bóng đã bay lên sẽ tác động ít nhiều đến phần trên cùng của xương sống ngay sau gáy. Ngay sau khi tiếp xúc bóng, cơ thể gần ở trạng thái xoay hết và hướng về phía mục tiêu. Giữ đầu ở lại quá lâu sẽ hạn chế việc di chuyển của phần vai. Và với tốc độ đủ lớn cùng số lần lặp lại nhiều thì chấn thương trên lưng, vai hoặc cổ là điều không sớm thì muộn.
Swing chưa “hết”
Một số golfer cho rằng khi tập swing, cánh tay và cơ thể sẽ phải lên “hết” khi đưa gậy lên và kết thúc. Thực tế, bạn chỉ nên tập trung vào việc xoay nhiều các phần lớn trên cơ thể, chủ yếu với phần vai khi đưa gậy lên và hông khi đưa gậy xuống để có được một cú swing khá đầy đủ. Cú swing càng gọn càng giúp tiếp xúc với bóng tốt hơn. Đôi khi, người chơi cũng không cần swing toàn bộ cơ thể mà điều chỉnh để đưa bóng tới khoảng cách mong muốn.
(Theo PGA Phạm Minh Đức/Pure Performance)