Thứ 5, 17/04/2025 11:15 GMT +7
Dòng sự kiện:

PGA Tour cho phép dùng thiết bị đo khoảng cách: Đổi mới hay vô thưởng vô phạt?

10:57 - 17/04/2025

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tốc độ thi đấu, PGA Tour triển khai thử nghiệm sử dụng thiết bị đo khoảng cách tại 6 giải đấu trong mùa giải 2025, bắt đầu từ giải RBC Heritage diễn ra ngay sau The Masters. Tuy nhiên, quyết định này đang vấp phải phản ứng trái chiều từ các golfer chuyên nghiệp và caddie kỳ cựu.

Bài liên quan

Công nghệ – Lời hứa hẹn cho tốc độ chơi?

Ban tổ chức PGA Tour kỳ vọng rằng việc cho phép sử dụng thiết bị đo khoảng cách (Distance Measuring Devices – DMD) sẽ rút ngắn thời gian tính toán, từ đó cải thiện tốc độ thi đấu. Trên lý thuyết, đây là một bước đi hiện đại hóa hợp lý, nhất là khi tình trạng thi đấu chậm đang là vấn đề nhức nhối trong giới golf chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, khi đưa vào thực tế, nhiều tay golf lại tỏ ra thờ ơ. Scottie Scheffler, tay golf số 1 thế giới, thậm chí thừa nhận quên mất việc Tour đang thử nghiệm thiết bị này.

Empty

“Nếu rút ngắn được 20 phút một vòng golf, liệu khán giả có vì thế mà quyết định xem thi đấu nhiều hơn không? Tôi nghĩ điều quan trọng là golf có hấp dẫn hay không, chứ không phải nó diễn ra trong bao lâu", Scottie Scheffler nói.

Phản ứng của các caddie càng cho thấy rõ sự dè dặt với công nghệ mới. Will Wilcox, caddie của Sungjae Im, thậm chí không hề biết đến thử nghiệm này và khi được thông báo, chỉ cười và đáp: “Tôi cũng không dùng đâu".

Trong khi đó, Joe LaCava, caddie kỳ cựu từng làm việc với nhiều tay golf nổi tiếng, cho rằng việc sử dụng DMD sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể nào: “Tôi vẫn quen làm theo cách cũ. Tôi sẽ mang thiết bị theo, có thể dùng nếu bóng đi lệch. Nhưng nhìn chung, có cũng như không".

Một công cụ hữu ích, nhưng không phải phép màu.

Một trong số ít người ủng hộ là Brian Harman, người gọi đây là “ý tưởng tuyệt vời”, nhưng cũng không kỳ vọng nhiều: "Nó không thể khắc phục những yếu tố như sân quá khó, số lượng người chơi đông hay tắc nghẽn ở tee box. Tuần này có vẻ suôn sẻ là do đánh nhóm hai, sân lại bằng phẳng, không phải nhờ thiết bị".

Thử nghiệm không phải là mới

PGA Tour từng thực hiện thử nghiệm tương tự trên Korn Ferry Tour vào năm 2017 nhưng không thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, ở hệ thống PGA Tour Americas, việc dùng DMD đã được chấp thuận vì nhiều sân ở đó không được đánh dấu đầy đủ, và thiết bị là công cụ “bắt buộc phải có”.

Gary Young, Phó Chủ tịch phụ trách luật và thi đấu của PGA Tour, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ theo dõi dữ liệu kỹ lưỡng. Nếu thời gian trung bình cho các cú đánh giảm, đó sẽ là cơ sở để cân nhắc việc áp dụng lâu dài".

Ông cũng nhấn mạnh đây chỉ là thử nghiệm ngắn hạn kéo dài bốn tuần, sau đó ban tổ chức sẽ thu thập ý kiến từ các tay golf và caddie để đưa ra quyết định cuối cùng.

Đổi mới thiết thực hay cải cách hình thức?

Việc thử nghiệm DMD được xem là bước đi hiện đại của PGA Tour trong thời đại mà thể thao ngày càng gắn liền với công nghệ. Thế nhưng, phản ứng từ chính người trong cuộc cho thấy khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn khá xa.

Dẫu vậy, dù kết quả có ra sao, một điều rõ ràng: golf đang đứng giữa giao lộ của truyền thống và công nghệ, và bài toán dung hòa hai yếu tố này sẽ còn là chủ đề nóng trong tương lai.

 Minh Tuệ

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT