Caddie mùa Covid: Những chia sẻ bất ngờ đằng sau nỗi lo dịch bệnh
Dịch Covid 19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, golf cũng không ngoại lệ. Trong đó, bộ phận caddie là những người "nhìn" thấy rõ nhất.
"Thu nhập giảm nhưng không mất việc là tốt rồi"
Dịch Covid 19 bùng nổ hồi đầu năm đã khiến không ít sân golf "lao đao" vì khách đến chơi ngày càng ít. Doanh thu giảm sút, nhiều chủ sân thực hiện nhiều chính sách cắt giảm nhân sự, đổi ca, luân phiên để vừa đảm bảo được công việc, vừa tiết kiệm tài chính, vừa giữ chân người làm.
Khi dịch bện trong nước kiểm soát chưa được bao lâu thì "làn sóng" Covid thứ 2 tiếp tục lan rộng vào cuối tháng 7. Điều này thực sự đã đẩy nhiều Caddie vào tình thế khó khăn về kinh tế, áp lực công việc.
Là một caddy làm lâu năm ở một sân golf Hà Nội, Mạnh Hùng cho hay, sân golf của anh không có ai phải nghỉ việc vì dịch nhưng thu nhập giảm đáng kể.
"Trước đây, mỗi ngày làm từ 5-10 tiếng thì nay cùng lắm chỉ được gần nửa. Nhưng may mắn là quản lý tạo điều kiện, mọi người vẫn làm đủ công 26 ngày mỗi tháng, không ai phải nghỉ giữa chừng. Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như ở chỗ mình. Nhiều sân golf đóng cửa, một số bạn Caddie mình biết phải nghỉ dịch 1-2 tháng không lương, cũng có bạn được sân phụ cấp 50%", Hùng tâm sự.
Theo tìm hiểu của PV, thu nhập giảm sút là tình trạng chung của Caddie trong mùa dịch. Với những Caddie độc thân, hay có gia đình hỗ trợ thì áp lực tài chính chưa nhiều. Tuy nhiên, với những Caddie phải thuê trọ hay đã có con cái thì khó khăn hơn nhiều.
“Ngày trước, trung bình mỗi ngày ngoài lương mình cũng có thêm khoản tip từ 400 đến 1 triệu đồng. Đây là khoản chính chi tiêu cho cả gia đình. Nay chủ yếu phụ thuộc lương, khách ít, tiền tip cũng ít hơn. Bởi vậy, cả gia đình mình phải cố gắng tiết kiệm, cầm cự qua giai đoạn này”, anh Vũ Huy, một Caddie ở Nghệ An chia sẻ.
Nói về khó khăn trong mùa dịch Covid, bên cạnh sự sụt giảm về thu nhập thì điều nhiều Caddie cùng cảm nhận là sự phục vụ khách trong thời điểm này áp lực hơn. Bởi lẽ các khâu kiểm dịch chặt chẽ, ngăn chặn dịch lây lan. Điều này tốt cho tất cả mọi người nhưng vì Caddie là người di chuyển nhiều, việc đeo khẩu trang suốt thời gian khiến nhiều lúc anh cảm thấy bí bách, khó chịu.
Áp lực công việc nhiều hơn
Dù không có nhiều khách, lượng công việc cũng ít hơn nhưng nhiều Caddie cho biết họ cảm thấy áp lực hơn.
Hồng Nga, một caddie ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, mặc dù lượng khách giảm nhiều nhưng khi phục vụ lại cần có nhiều quy định mới phức tạp để dảm bảo an toàn cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ.
"Tầm này năm ngoái, khách nhiều nên thu nhập dư giả, đi làm cũng không thấy áp lực tiền bạc. Năm nay khách giảm nhưng vì phục vụ trong mùa dịch nên khó hơn", Nga cho hay.
Cùng quan điểm này, một Caddie ở Bắc Giang cho biết, trong mùa dịch, mọi thứ đều phải cẩn thận. Việc phục vụ cũng đòi hỏi kỹ càng hơn. Tất nhiên, trong áp lực thì cũng cần nhìn nhận đây cũng là lúc các Caddie thể hiện được năng lực và sự cố gắng của mình.
"Với bản thân mình thì thời gian này có thời gian để nâng cao kỹ năng phục vụ cũng như tìm hiểu kỹ hơn về golf, phục vụ công việc. Các golfer đến chỗ mình cũng khá thoải mái, trao đổi nhiều hơn, tạo ra sự gần gũi, kết nối với nhau", Caddie này chia sẻ.
Hi vọng dịch nhanh qua để trở lại nhịp làm việc bình thường
Hiện tại, về cơ bản, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, với 10 ngày liên tục không ghi nhận bệnh nhân mắc mới trong cộng đồng, bởi vậy, làng golf Việt sôi động trở lại sau dịch Covid-19.
Nói về điều này, các Caddie đều tỏ ra phấn khởi và hào hứng, hi vọng dịch nhanh qua để mọi thứ trở lại bình thường. Bởi lẽ đây mà thời gian bắt đầu mùa golf, các giải tập trung nhiều, việc phục vụ cũng mang lại nguồn thu nhập tốt hơn
"Dù vẫn "cầm cự" được trong thời gian dịch vừa rồi nhưng nếu cứ tiếp diễn sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, mình hi vọng công tác chống dịch được thực hiện tốt, đẩy lùi Covid 19, mọi thứ trở lại như trước đây", Lan Anh, một Caddie ở Đà Nẵng chia sẻ.
Thư Vũ