Golfer Australia ngược dòng vô địch Vietnam Open
(GolfViet) - Joel Troy lập đỉnh thành tích vòng để ngược dòng về nhất ở điểm even-par, lĩnh 180 triệu đồng tại sự kiện thứ ba của hệ thống chuyên nghiệp VGA Tour 2022 vào chiều 16/9.
Troy phá trần thành tích 18 hố ở mốc 69 gậy ghi tại vòng hai của Nguyễn Nhất Long - cũng đứng T5 (+5) khi vào chặng cuối bằng bảng điểm một eagle, sáu birdie và ba bogey. Bộ đôi này xuất phát trước một hố với nhóm top 3 từ đỉnh gồm Brian Jung (-1), Nguyễn Anh Minh (+2) và Nguyễn Quang Trí (+3). Anh Minh lẫn Quang Trí cùng diện nghiệp dư như Nhất Long.
Ngoài việc ghi điểm âm sâu nhất chặng về đích, chiến thắng của Troy còn “nhờ” Jung và Anh Minh mất lửa. Trong khi Anh Minh sáu bogey qua 13 hố và tới hố 15 mới birdie sớm rời cuộc đua thì Jung còn giữ đỉnh bảng ở even par khi xong nửa vòng với ba birdie và hai bogey, bỏ cách Troy một gậy.
Cục diện thay đổi từ hố 10, nơi Troy birdie rồi dẫn ngược đấu thủ Hàn một gậy do bogey. Jung sau đó còn double bogey hố 13 và thêm hai bogey, rơi xuống thứ ba với điểm +5. Ngược lại, Quang Trí nhờ đánh bằng chuẩn sân Sky trong Sky Lake Resort & Golf Club - 72 gậy với hai birdie bù trọn bogey về nhì ở +3.
Tính cả Quang Trí, số gương mặt nghiệp dư chiếm phân nửa top 10 chung cuộc. Trong đó Nhất Long cùng Anh Minh đứng T4 (+7), Nguyễn Đặng Minh thứ sáu (+8) và Lê Khánh Hưng ở T7 (+9).
Trong quỹ thưởng 1 tỷ đồng của bảng nam, nhà vô địch nhận 180 triệu đồng và á quân lĩnh 105 triệu đồng - lần lượt tương đương 18% và 10,5%. Tuy nhiên, Quang Trí chỉ có thể nhận tối đa 23 triệu đồng do giới hạn tiền thưởng cho amateur ở giải chuyên nghiệp có hiệu lực từ đầu năm nay. Hàng rào này áp dụng tương tự với các golfer nghiệp dư khác có tiền thưởng vượt trần.
Tại bảng nữ với quỹ thưởng 200 triệu đồng, Lina Kim xác lập mốc thắng chung cuộc ở +9 sau ngày thứ hai liên tiếp đánh 74 gậy. Đấu thủ Hàn không chỉ dẫn đầu suốt giải mà còn thắng áp đảo hơn Troy - tới tám gậy trước á quân Ngô Bảo Nghi. Phạm Thị Yến Vi đứng thứ ba, ở +20.
Theo cơ cấu chia thưởng nhánh nữ, vô địch sẽ bỏ túi 60 triệu đồng, á quân nhận 36 triệu đồng còn golfer xếp thứ ba được 24 triệu đồng. Vì còn diện amateur nên Yến Vi cũng chỉ được nhận tối đa 23 triệu đồng.
Đặc biệt kể từ Vietnam Open, khi tiền thưởng từ thành tích của đấu thủ nghiệp dư trên giới hạn quy định, ban tổ chức sẽ đóng góp phần dư vào Chương trình đào tạo và phát triển tài năng golf trẻ Việt Nam, thay vì chia đều cho các vị trí kề sau như hai chặng đầu tiên là Lexus Challenge tháng 3 và Vietnam National Championship tháng 4. Khi ấy, chức vô địch cả hai giải đều thuộc về Anh Minh, đưa golfer 15 tuổi này trở thành nhà vô địch nghiệp dư đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử của golf chuyên nghiệp trong nước.