Vì sao lại ăn bánh tro vào Tết Đoan Ngọ?
Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ, và một số nơi của Miền Bắc. Chiếc bánh có hình chóp to bằng nắm tay người lớn, bên ngoài gói lá với nguyên liệu chính là nếp và nước tro.
Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ, và một số nơi của Miền Bắc. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng như bánh ú, bánh gio, bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo điệu phương.
Làm bánh tro cầu kỳ ở khâu chuẩn bị nguyên liệu, phải đốt vỏ bưởi, vỏ hạt thầu dầu phơi khô để lấy tro, rồi ngâm với nước và nước vôi trong nửa tháng để thu được lớp nước tro trong suốt, không cặn; sau đó, lấy gạo nếp ngon đã vo sạch ngâm với nước trong 4 tiếng thì gạo mới mang đi gói bánh được.
Bánh có vị thanh, quện với đường mật tạo nên món ăn vừa mát trong những ngày hè, vừa đậm đà hương vị quê hương.
Nhiều giả thuyết cho rằng, tổ tiên người Việt tạo ra chiếc bánh tro có hình khối tam giác là vì thuyết âm dương ngũ hành, hình tam giác là dương Hỏa bên ngoài bao bọc để tương sinh với âm Thổ của bánh bọc bên trong.
Màu sắc của bánh cũng tượng trưng cho màu của đất và ngày trước bánh không có nhân bởi khi quay về với đất thì vạn vật trở nên thuần khiết. Quay trở về đất nhưng âm dương tương sinh để rồi lại sinh sôi, phát triển và lý lẽ đó chính là quy luật của tạo hóa.
Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian Phương Đông. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h sáng tới 13h chiều, và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Trong ngày này, người Việt dâng bánh tro, trái cây hay rượu nếp lên ban thờ để tưởng nhớ tới tổ tiên, cha mẹ của mình.
Ngọc Ngân