Quảng bá điểm đến golf Đà Nẵng hướng tới phục hồi du lịch
(GolfViet) - Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Đà Nẵng sẽ xúc tiến mạnh mẽ loại hình du lịch golf nhằm tận dụng tốt lợi thế sẵn có, nắm bắt xu hướng và mang đến triển vọng về phục hồi du lịch.
Chiều 28/12 tại Đà Nẵng đã diễn ra Chương trình xúc tiến du lịch golf đến Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam năm 2022 qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Tại đây, đại diện Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng - đơn vị tổ chức, các nhà quản lý và chuyên gia đã chia sẻ, thảo luận về lợi thế, cơ hội thu hút khách du lịch golf của Đà Nẵng cũng như Việt Nam. Đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch hợp xu thế trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.
Điểm đến golf tiềm năng và cơ hội
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, Đà Nẵng và các địa phương miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển du lịch golf tầm khu vực và thế giới, bao gồm lợi thế về hạ tầng lưu trú hiện đại, hệ thống sân golf đẳng cấp thế giới do những golfer huyền thoại Greg Norman, Sir Nick Faldo, Colin Montgomerie, Luke Donald hay Robert Trent Jone Jr. thiết kế.
Ông Bình nhận định du lịch golf cũng như các loại hình du lịch chất lượng cao gắn với thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ đang là xu hướng du lịch mới. Những tác động từ dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi, nhu cầu và lựa chọn sản phẩm du lịch của du khách, hướng đến các sản phẩm du lịch xanh, cao cấp và an toàn.
“Nắm bắt xu hướng và cơ hội này, ngành du lịch TP Đà Nẵng phối hợp cùng các địa phương duyên hải miền Trung đẩy mạnh xúc tiến thu hút du khách golf ngay trong năm 2022 và tạo đòn bẩy những năm tiếp theo”, ông Bình cho biết.
Bên cạnh lợi thế hạ tầng sân golf, du lịch golf Đà Nẵng và Việt Nam còn nhiều tiềm năng về vị trí địa lý và thị trường. Ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư Thứ nhất phụ trách Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết Việt Nam là điểm đến golf mà khách Hàn Quốc mong muốn trải nghiệm, đặc biệt là vào mùa đông khi thời tiết tại đây không thuận lợi cho việc chơi golf.
Được biết, mùa đông của Hàn Quốc kéo dài từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau, với các sân golf bị bao phủ bởi tuyết nên golfer Hàn thường lên kế hoạch đến những quốc ấm áp hơn, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Hàn Quốc cùng với Nhật Bản, được ghi nhận là hai thị trường hàng đầu về khách chơi golf ở Việt Nam.
Để làm rõ hơn về nhu cầu và hành vi chơi golf thời dịch bệnh, Sports Marketing Survey (SMS) đã tiến hành khảo sát đối với 9 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á, thu về hơn 10.000 phản hồi. Kết quả được công bố hồi tháng 9 cho thấy hơn 50% du khách ở lục địa đông dân nhất thế giới đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ golf. Tuy nhiên theo Giám đốc SMS Eric Lynge, đa số kế hoạch kỳ nghỉ golf là những chuyến đi trong nước bởi quy định hạn chế đi lại hiện hành giữa các quốc gia. Đó cũng là một trong những thách thức lớn nhất với du lịch quốc tế.
Song kết quả khảo sát trên đã phần nào cho thấy tiềm năng tăng trưởng của du lịch golf trong thời gian tới. Bên cạnh đó, golf còn thu hút khách chi tiêu cao, với sức mua gấp từ sáu đến tám lần so với những loại hình du lịch đơn thuần. Dữ liệu từ SMS còn cho thấy mức độ chi tiêu dự kiến của du khách golf cao hơn so với trước, với khoảng 50% số golfer ở Phillipines, Singapore và Hàn Quốc tiết lộ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho golf trong vòng một năm tới.
Châu Á cũng là khu vực phát triển mạnh nhất khi golf thế giới chứng kiến đà bùng nổ trong 5 năm qua - tăng từ 20,9 triệu golfer lên 23,3 triệu người - theo nghiên cứu mới của R&A và SMS dựa trên số liệu thu thập từ các liên đoàn, hiệp hội golf quốc gia.
Các giải pháp đề xuất
Việc phân khúc tốt thị trường dựa trên hiểu biết về thị trường khách và các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua sẽ giúp tận dụng tốt những cơ hội kể trên, cũng như giúp nhà quản lý đa dạng hoá các sản phẩm golf của điểm đến, ông Eric Lynge nhận định. Vị giám đốc Sports Marketing Survey gợi ý dòng khách value seeker (khách chuộng các giá trị tăng thêm và giá cả phải chăng) và adventurous spender (khách chơi golf yêu thích phiêu lưu trải nghiệm) có thể là phân khúc tiềm năng với Đà Nẵng - điểm đến golf mới, có dịch vụ đi kèm đa dạng và giá cả cạnh tranh.
Ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho biết trong năm tới, Hiệp Hội Golf Việt Nam (VGA) sẽ đề xuất tổ chức Lễ trao Giải thưởng golf thế giới (World Golf Awards) 2022 tại Đà Nẵng nhằm quảng bá điểm đến golf mới nổi và tiềm năng này.
Những năm qua, golf Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn các kỳ World Golf Awards. Tại lễ trao giải lần thứ tám ở Dubai (UAE) vào cuối tháng 10, Việt Nam lần thứ hai, sau năm 2019 được vinh danh là “Điểm đến golf tốt nhất thế giới” và năm thứ 5 liên tiếp, là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” (2017-2021). Sân Ba Na Hills Golf Club cũng có lần thứ năm đoạt cú đúp, “Sân golf tốt nhất Việt Nam và “Sân golf tốt nhất châu Á”. Các giải thưởng quốc tế danh giá trong lĩnh vực sẽ là lợi thế truyền thông to lớn quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với người yêu golf trên toàn thế giới.
Để tăng trưởng du lịch golf Việt Nam, ông Trí đề xuất chính phủ cần có chính sách thuế tốt hơn về golf, nâng cao vai trò của lữ hành, đa dạng hoá sản phẩm golf và đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá.
Việc tổ chức các giải đấu, chương trình quảng bá golf có sự tham gia của người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng được bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Đà Nẵng và ông Tuyên cùng đưa ra trong chương trình. Trong đó, chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch golf đến Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam vào năm 2022 sẽ tiếp nối những sự kiện của năm 2021 và mang tính định kỳ thường niên, gồm giải Danang FantastiCity Open vào tháng 4, famtrip và media trip về golf vào tháng 7.
Thảo Phạm (t/h)