Vì sao golf được coi là “công cụ kinh doanh” cần có của giới doanh nhân?
(GolfViet) - Không phải ngẫu nhiên mà golf luôn tồn tại song hành và cần thiết với doanh nhân, dù đó là môi trường kinh doanh trong nước hay quốc tế.
Khi nhìn vào số lượng CEO hàng đầu, các ngôi sao thể thao, điện ảnh và doanh nhân,… là những người đam mê chơi golf, đó sẽ là một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, bạn có thể bất ngờ hơn nữa nếu biết rằng, có khoảng 90% CEO của Fortune 500 chơi golf giống như hầu hết các Tổng thống Mỹ kể từ nhiệm kỳ của Dwight David Eisenhower.
Cũng theo Barron’s (một tạp chí đầu tư tài chính của Mỹ), một phần tư trong số 25 triệu golfer ở Mỹ đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành cấp cao và 80% trong số đó đồng ý rằng, chơi golf là một công cụ quan trọng để phát triển kinh doanh, thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới. Ngoài ra, những CEO thường xuyên chơi golf có mức lương trung bình cao hơn 17% so với những người không tham gia bộ môn thể thao này.
Lý giải vì sao golf có sức hấp dẫn và cần thiết với giới doanh nhân, Giáo sư Bill Walsh từ ĐH Syracuse cho biết: “Golf mang đến cơ hội duy nhất để mỗi cá nhân kết nối với nhau trong khoảng thời gian đáng kể. Nếu bạn ăn trưa với ai đó, nó có thể có thể kéo dài một giờ hoặc lâu hơn chút. Còn với golf, bạn có cơ hội hiểu người đó nhiều hơn vì đang cùng thi đấu trên sân. Trong thời đại của hội nghị trực tuyến, golf có thể là một trong những địa điểm cuối cùng giúp bạn duy trì các mối liên hệ cá nhân”.
Nhận định này lại càng được minh chứng rõ hơn khi dịch bệnh ập đến. Nếu Covid-19 khiến nhiều hoạt động gián đoạn, các sự kiện tụ tập đông người bị cấm thì golf nổi lên như một bộ môn an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu rèn luyện, vừa đảm bảo tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch.
Bên cạnh đó, nếu là nữ doanh nhân, chơi golf còn mang đến ưu thế lớn hơn. Adrienne Wax, đồng tác giả cuốn sách Even Par: How Golf helps Women Gain the Upper Hand In Business (tạm dịch: Chơi golf giúp phụ nữ thắng thế trong kinh doanh) cho biết: “Ngoài cánh cửa văn phòng, bạn có thể giao tiếp, làm quen với đồng nghiệp, lãnh đạo cấp cao hơn theo cách mà trong môi trường văn phòng không thể mang lại… Nếu bạn có thể nói về golf, đột nhiên bạn có lý do để bắt đầu trò chuyện với CEO của mình”.
Và mặc dù chỉ có khoảng 20% số golfer là nữ, nhưng 50% lãnh đạo nữ có chơi golf tiết lộ những kiến thức, kỹ năng về golf giúp họ thành công hơn. Một nghiên cứu vào năm 1993 cho thấy khi ấy, golfer nữ đạt single handicap (chỉ số điểm chấp dưới 10) kiếm được trung bình 146.900 USD/năm.
Golf và giới doanh nhân ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch DHA Corp, người đã gắn bó với golf gần 20 năm bày tỏ: “Bộ môn này không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà còn là nguồn cảm hứng cho việc kinh doanh. Hai lĩnh vực này có những điểm tương đồng như khổ công, ý chí, tính quyết đoán, táo bạo và sự khôn ngoan trong xử lý tình huống chiến đấu… Là doanh nhân đồng thời cũng là một người yêu thể thao, tôi tham gia thương trường bằng tinh thần của một vận động viên”.
Mới đây, vị golfer kiêm doanh nhân có tiếng đã bắt tay cùng ông lớn ngành golf giả lập Hàn Quốc khai trương trung tâm golf - giải trí theo chuẩn quốc tế ở TP Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp việc tiếp cận và chơi golf trở nên thuận tiện và đơn giản hơn mà chi phí bằng 1/4 giá ngoài sân cỏ ngày thường.
Với Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, ông từng chia sẻ với báo chí rằng tình yêu và đam mê dành cho golf là một trong ba lý do ông và Tập đoàn lựa chọn đầu tư vào tổ hợp sân golf cùng các tiện ích đi kèm. Là một người chơi yêu thích golf từ lâu và sớm đạt single handicap, ông nhận định chơi golf và kinh doanh giống như một phép thử để chọn bạn chơi và đối tác.
Khi golf Việt Nam ngày một phát triển, các giải đấu được tổ chức thường xuyên với nhiều mục đích khác nhau, môi trường thể thao trên sân golf tựu chung chính là sân chơi để các doanh nhân gặp gỡ, giao lưu lẫn nhau, với đối tác và khách hàng một cách tự nhiên và bền vững. Đặc biệt, những giải đấu, sự kiện golf còn mở ra cơ hội cho các bạn trẻ trên hành trình khởi nghiệp học hỏi, tìm kiếm nguồn đầu tư tiềm năng và ngược lại. Giải Golf for Start-up là một ví dụ điển hình.
Khởi nghiệp từ khi còn trẻ và hiểu được những khó khăn, hoàn cảnh của các start-up mới, ông Nguyễn Tấn Trung, chủ tịch HĐQT Công ty Tấn Điền, một golfer dự giải năm 2019 chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: “Có thêm giải đấu như vậy, những người mê golf như chúng tôi càng có thêm sân chơi, cũng càng có thêm cơ hội để giao lưu, kết nối với những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp".
Thanh Bình