Thứ 5, 18/04/2024 12:21 GMT +7
Dòng sự kiện:

Hoài nghi về máy đo khoảng cách ở PGA Championship

17:02 - 17/05/2021

(GolfViet) - Vốn được kỳ vọng giúp tăng tốc độ thi đấu ở các giải major riêng của PGA of America nhưng nhiều golfer vẫn nghi ngờ về giá trị thực trên sân của nó.

Bài liên quan

Máy đo khoảng cách đầu tiên không nhằm mục đích thể thao

Những thiết bị đo khoảng cách đầu tiên có mối liên hệ mật thiết với nơi khai sinh ra golf - Scotland, nhưng lại không được dùng cho golf hay thể thao. Theo đó, năm 1891, hai giáo sư tại Đại học Leeds là Archibald Barr (chuyên ngành kỹ thuật) và William Stroud (vật lý) được Hải quân Anh yêu cầu thiết kế một máy đo khoảng cách cơ sở ngắn để dùng thử.

Bộ sưu tập máy đo khoảng cách tạo bởi Barr và Stroud

Bộ sưu tập máy đo khoảng cách tạo bởi Barr và Stroud

Thiết bị này gồm thấu kính, lăng kính ở mỗi đầu và thị kính ở giữa. Với việc Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ năm 1914, nhu cầu về máy đo khoảng cách tăng lên, cùng với đó là sự thúc đẩy cải tiến công nghệ. Dù vậy, các thiết bị này mất rất lâu sau đó để phổ biến trong golf.

Bước ngoặt từ máy đo khoảng cách laser

Năm 1965, máy đo khoảng cách laser đầu tiên được phát minh, thay thế cho người tiện nhiệm công nghệ cũ và kém chính xác hơn. Tương tự radar, “súng bắn” khoảng cách laser đo khoảng cách bằng cách xác định thời gian giữa quá trình truyền và nhận lại tín hiệu phản xạ sóng điện từ.

Tới năm 1995, Bushnell cho ra mắt máy đo khoảng cách đầu tiên dành cho golf - Yardage Pro 400, với kích thước bằng một chiếc ống nhòm cỡ lớn. Ở thời điểm đó, rất khó để có thông số cụ thể từ vị trí cách cờ 200 yard nhưng càng về sau, kích cỡ thiết bị chuyên dụng này càng giảm, trong khi độ chính xác và lượng thông tin mang lại ngày một tăng lên.

Máy đo khoảng cách trong luật golf

Mặc dù luật golf cho phép dùng máy đo khoảng cách bằng tia laser và dựa trên GPS trong các giải đấu thông thường, giải nghiệp dư từ năm 2006 nhưng một luật địa phương khi bổ sung vào quy chế giải cũng giúp các Ủy ban giải đấu (Hội đồng giải) cấm sử dụng thiết bị này. Do đó ở các giải chuyên nghiệp, nhất là PGA Tour, loạt major như The Masters, US Open hay The Open Championship, golfer không được dùng máy bắn khoảng cách khi trên sân, ngoại trừ vòng đánh tập.

Rory McIlroy dùng máy đo khoảng cách trong vòng đánh tập giải gây quỹ từ thiện TaylorMade Driving Relief

Rory McIlroy dùng máy đo khoảng cách trong vòng đánh tập giải gây quỹ từ thiện TaylorMade Driving Relief

Riêng PGA Championship là ngoại lệ khi hồi tháng 2, đơn vị chủ quản Hiệp hội Golf chuyên nghiệp Mỹ (PGA of America) thông báo máy đo khoảng cách sẽ hợp lệ ở cả vòng đấu chính, bắt đầu từ sự kiện năm nay tại Ocean Course ở Kiawah Island, Nam Carolina nhằm tăng tốc độ thi đấu. Quy định mới áp dụng với cả hai major nữ và lão tướng thuộc PGAA lần lượt là Senior PGA và KPMG Women’s PGA Championship.

Tuy nhiên, golfer chỉ được nhận tư vấn thông tin về khoảng cách và hướng. Còn các chỉ số về độ cao địa hình, tốc độ gió và dữ liệu khác thì không được phép theo quy định.

Dấu hỏi ngỏ từ người chơi

Là “người tiên phong” nhưng quyết định của PGAA được rất ít người chơi và caddie cho rằng sẽ mang đến hiệu quả như kỳ vọng thay vì tác dụng ngược.

“Tôi nghĩ nó có thể làm chậm lại ở một số tình huống nhất định. Nếu bạn đang kiểm tra các thông số một lần nữa, điều đó sẽ chẳng tốt lắm”, Bryson DeChambeau bày tỏ quan điểm cá nhân. “Sẽ thật tuyệt nếu đa số golfer sử dụng nó và làm tăng tốc độ thi đấu, khi hiện tại bạn phải chơi trong khoảng thời gian giới hạn. Nhưng nếu luôn kiểm tra kỹ lưỡng mọi thứ, chắc hẳn sẽ làm chậm lại một chút và tôi không thích điều này”.

Trước biệt danh “lực sĩ golf”, DeChambeau còn có tên gọi “nhà bác học điên” vì thực hiện cú đánh sau một loạt tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng ngốn thời gian bậc nhất Tour hồi nửa cuối 2019. Dù vậy, ĐKVĐ US Open vẫn nhấn mạnh mình không phải người yêu thích lối chơi chậm và được nhiều đồng nghiệp tỏ ý đồng tình.

Henrik Stenson với thiết bị đo khoảng cách ngày thử sân South African Open Championship

Henrik Stenson với thiết bị đo khoảng cách ngày thử sân South African Open Championship

“Tôi tiếp tục cần những thông số phía trước, bao nhiêu yard ở bên trái, bên phải và phía sau cờ rồi chốt lại. Sẽ ra sao nếu máy đo khoảng cách lệch đi 1 yard? Sau đó, chúng tôi phải thực hiện thao tác nhận định lần nữa để phù hợp cho cú đánh kế tiếp”, Paul Tesori, nhân sự vác túi gậy của Webb Simpson nói.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tình huống máy đo khoảng cách giúp golfer tiết kiệm thời gian, đặc biệt với cú đánh ngoài fairway. “Chúng ta sẽ không cần đến đầu phun nước và đi bộ cách đó 40, 50 yard để tìm ra thông số”, DeChambeau nói thêm.

Vậy các golfer có dùng máy đo khoảng cách, trước tiên ở PGA Championship khi BTC đã gỡ bỏ “hàng rào” về luật?

Khi được đặt vấn đề, Jason Day đáp: “Tôi và caddie có thể vẫn làm yardage book... Sẽ rất thú vị để xem có bao nhiêu người chơi sẽ dùng nó. Còn tôi thì không trong PGA Tour”.

Jordan Spieth thì cho biết anh và caddie Michael Greller sẽ dùng máy đo khoảng cách nhưng chỉ sử dụng khi cần xác nhận thêm.

Bên cạnh khả năng làm chậm tốc độ chơi, máy đo khoảng cách cũng yêu cầu người chơi và caddie cần kỹ năng nhất định. Ngoài ra, một số người chơi chỉ xem thiết bị này là công cụ để giúp thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn.

Thảo Phạm

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT