Bạo lực trên sân golf
(GolfViet) - Sân golf hay bất kỳ địa điểm nào khác đều có thể xảy ra các hành vi bạo lực, khi một cá nhân nào đó mất bình tĩnh và không kiểm soát được bản thân.
Sự việc mới đây của golfer đánh nữ caddie đến gãy cả gậy golf tại Đà Nẵng đang khiến cộng đồng người chơi golf nói riêng và dư luận dậy sóng. Một vài câu lạc bộ golf đã gửi thư ngỏ và thông cáo lên án hành vi này, đồng thời tẩy chay và đề nghị các sân, hội golf địa phương có động thái tương tự đối với golfer đã vi phạm văn hoá golf, làm xấu hình ảnh của những người chơi golf tại Việt Nam.
Không phải vụ việc đầu tiên
Như đã nói, bạo lực xuất hiện ở mọi nơi, không riêng gì sân golf - nơi gắn liền với bộ môn được gọi là “môn thể thao quý tộc”, trong đó đa số người chơi là các doanh nhân, CEO, người có điều kiện về kinh tế.
Trở lại tháng 9/2013, Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) từng có văn bản đề nghị các sân golf trên toàn quốc “cấm cửa” trong thời hạn một năm với ông Nguyễn Đức Sơn, người đã dùng gậy putter vụt vào đầu caddie sân golf Tam Đảo. VGA đánh giá hành vi của ông Sơn đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc xử trên sân golf theo quy định của Hiệp hội và gây dư luận xấu. Về phía sân golf Tam Đảo, sân ngay lập tức đã đình chỉ tư cách hội viên của vị tổng giám đốc công ty có trụ sở tại Hà Nội này.
Năm 2018, “vụ án sân golf” hay “vụ án cái ly” cũng gây xôn xao dư luận khi một golfer khiến một người thiệt mạng do phát sinh mâu thuẫn sau khi chơi golf tại sân golf Sông Bé, Bình Dương. Người này sau đó nhận mức án 14 năm tù về tội “giết người”.
Hay hồi tháng 5/2022 tại sân golf Bà Nà xảy ra sự việc người chơi có hành vi chửi bới, tác động khiến caddie phục vụ bị thương ở cổ tay vì đã ngăn cản họ phát bóng, trong khi caddie thấy nhóm golfer đi phía trước chưa ra khỏi phạm vi an toàn. Được biết sau đó, sân golf Bà Nà đã có quyết định chính chức từ chối phục vụ golfer trên vô thời hạn, đồng thời đề nghị lãnh đạo Hội Golf Đà Nẵng xem xét lại tư cách hội viên và golfer của ông này.
Cũng không phải chuyện hiếm trên thế giới
Sergio Garcia, golfer Tây Ban Nha sở hữu 11 chức vô địch PGA Tour, tính cả major The Masters 2017 hồi mới vào nghề năm 20 tuổi từng gây sốc với những hành vi phản cảm như ném giày vào trọng tài, nhổ nước bọt vào hố golf hay đưa ra nhận xét mang tính phân biệt chủng tộc với Tiger Woods vào năm 2013. Đến năm 2019, đồng nghiệp thậm chí còn muốn Garcia bị cấm thi đấu sau những hành động quá khích liên tiếp trên sân golf, gồm vụ ném thẳng gậy về phía trợ lý thực chiến sau cú driver lỗi ở vòng đầu The Open Championship và phá hoại sân đấu tại vòng cuối WGC-FedEx St. Jude chỉ sau đó mười ngày.
Tờ Daily Mail năm 2017 đăng tải video cuộc ẩu đả dữ dội trên sân Athlone Golf Club ở Durban, Nam Phi. Vụ xô xát với cáo buộc phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc nổ ra sau khi các golfer tranh cãi tại hố 9 xem ai nên được thực hiện cú đánh trước rồi một người đàn ông hét vào mặt một người phụ nữ rằng “quay lại căn bếp đi”.
Nữ golfer Yunus Alias quay lại đoạn video cho biết: “Những lời công kích, phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc của những người đàn ông kia hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó cũng đi ngược lại những quy tắc ứng xử (etiquette) mà bộ môn này đề ra. Tôi chưa bao giờ chứng kiến hành vi tương tự trong suốt nhiều năm chơi golf và điều hành một trường dạy golf. Đây không phải là điều mọi người mong đợi khi đến với golf”.
Cô kể thêm rắc rối bắt đầu khi một nhóm đấu thủ Ấn Độ và nhóm golfer da trắng đụng độ ở hố 9 và tranh cãi.
Ranh giới mong manh giữa nóng giận và bạo lực
Chuyện nổi nóng, cáu giận vì thất vọng sau những cú đánh hỏng, không hài lòng về cú đánh hay kết quả rất dễ gặp ở giới golf nhà nghề cũng như golf phong trào, giải trí. Đằng sau những pha bẻ, ném gậy trong cơn giận dữ, mất bình tĩnh của các đấu thủ chuyên nghiệp được cho là mang tính giải toả tâm lý, áp lực thi đấu và căng thẳng bị đè nén.
Tuy nhiên, ranh giới giữa sự nóng giận thuần tuý và bạo lực rất mong manh, nếu golfer thường xuyên “giận quá mất khôn” hay “giận cá chém thớt” - đổ lỗi cho những yếu tố và mọi người xung quanh, bất cứ khi nào cảm thấy không hài lòng về kết quả cuộc chơi. Đó có thể là dùng lời lẽ khiếm nhã với bạn cùng chơi, caddie và các nhân viên khác của sân. Xa hơn là hành động phá hoại sân, xô xát với bạn chơi và trút cơn giận dữ, hành hung caddie như những vụ việc kể trên.
Golf là bộ môn đề cao tính trung thực, văn hoá golf, những quy tắc ứng xử hay nghi thức chuẩn mực trên sân, trong đó có việc tuân thủ các quy định của sân, tôn trọng bạn chơi và caddie đồng hành. Không để cơn nóng giận ảnh hưởng đến người khác sẽ giúp ấn tượng của mọi người về bạn và cuộc chơi thêm phần lý thú, trọn vẹn hơn, cũng như tránh được những tình huống đáng tiếc, có thể dẫn đến vi phạm pháp luật xảy ra.
Thanh Bình