Chủ nhật, 21/04/2024 09:45 GMT +7
Dòng sự kiện:

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3

10:01 - 09/04/2022

(GolfViet) - Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 là một ngày đặc biệt để người dân đất Việt tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng. Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này, hãy cùng GolfViet tìm hiểu nhé!

Bài liên quan

Nguồn gốc của ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3

Giỗ tổ Hùng Vương hay còn được gọi là “Lễ hội Đền Hùng” là ngày lễ lớn của người Việt Nam. Đây là lễ hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân có công lao dựng nước. Nghi lễ truyền thống được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ). 

Truyền thuyết kể lại rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau, sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người là tổ tiên của người Bách Việt. Không lâu sau, năm mươi người con theo cha xuôi về miền biển, năm mươi người con theo mẹ lên núi. 

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua Hùng.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua Hùng.

Sau này, con trai trưởng của Lạc Long Quân đã thành lập nhà nước Văn Lang, lên ngôi vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Sự ra đời của nhà nước Văn Lang mang ý nghĩa lịch sử, mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua 18 đời vua Hùng, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán (An Dương Vương). 

Để ghi nhớ công ơn khai thiên, lập địa của các vua Hùng, từ thời Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần và Hậu Lê đều tới Đền Hùng cúng bái. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 đã chính thức chọn ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngày 06/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Đền Hùng - Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa gì?

Tín ngưỡng thờ cúng Đền Hùng lan tỏa mạnh mẽ tới mọi miền Tổ Quốc, trở thành điểm tựa tinh thần, tạo nên sự đoàn kết, yêu thương giống nòi và đề cao giá trị cội nguồn “Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.

Hình ảnh mâm lễ mặn cúng Giỗ tổ Hùng Vương.

Hình ảnh mâm lễ mặn cúng Giỗ tổ Hùng Vương.

Vào ngày này, bất cứ một người con đất Việt nào cũng tự hào về dòng máu Lạc Hồng, cùng nhau hướng về cội nguồn, khắc ghi công ơn dựng nước của các vua Hùng. Đặc biệt, đây còn là cầu nối để kiều bào nước ngoài nhớ về đất nước “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3”

Về với Đền Hùng, người dân không chỉ được tĩnh tâm thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã hun đúc lòng tự hào và khát vọng lan tỏa bản sắc văn hóa Việt ra thế giới.

Những hoạt động trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Để tri ân công đức tổ tiên, hiện nay, trên địa bàn cả nước có hàng nghìn di tích thờ Hùng Vương và vợ con. Trong đó, Phú Thọ là tâm điểm của tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng với hàng loạt các hoạt động Lễ - Hội diễn ra trang nghiêm, thành kính. 

Lễ rước kiệu vua

Đây là di sản văn hóa phi vật thể ở Phú Thọ, người dân tụ họp lại thành một đoàn để làm lễ diễu hành hay còn gọi là lễ rước kiệu. 

Lễ rước kiệu vua Hùng được diễn ra sôi nổi.

Lễ rước kiệu vua Hùng được diễn ra sôi nổi.

Đội hình của nghi thức rước kiệu gồm chủ tế, quan viên, bô lão cùng các thế hệ dân làng với cờ hoa, bát bửu và trống chiêng. Tham gia đoàn rước còn có các thiếu nữ trong trang phục truyền thống rực rỡ để dâng hương hoa, sản vật địa phương.

Dâng lễ vật 

Mỗi nơi sẽ có các lễ chay, mặn khác nhau, tuy nhiên dù ở đâu cũng không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy. Bên cạnh đó, xôi, hoa quả, gà, lợn, rượu trắng… cũng là những lễ vật quen thuộc thường được dâng lên vua Hùng. 

Lễ tế và dâng hương

Một buổi lễ tế và dâng hương đầy đủ gồm các nghi thức: nghênh thần, hiến lễ, ẩm phúc và thu tộ, lễ tạ, dâng hương và lễ bái.

Chủ tế đang chuẩn bị cho lễ tế và dâng hương lên vua Hùng và các vị Thần linh

Chủ tế đang chuẩn bị cho lễ tế và dâng hương lên vua Hùng và các vị Thần linh

Vào ngày Giỗ tổ, nếu không có điều kiện về khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), người dân cũng có thể đến dâng hương tại các khu tưởng niệm vua Hùng tại địa phương. 

Hoạt động vui chơi

Nhiều trò chơi được diễn ra trong lễ hội như thi gói bánh chưng, bánh giầy, đua thuyền, ca hát nhảy múa và các trò chơi dân gian. Các hoạt động đều hướng tới mục đích bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Minh Tuệ

THƯƠNG HIỆU NỔI BẬT