10 sự kiện golf Việt Nam nổi bật năm 2020
(GolfViet) - Chủ động các phương án phòng chống dịch Covid-19, sự bùng nổ của golf phong trào, dấu ấn tại WAGR,... là những điểm nhấn đáng chú ý của golf Việt Nam năm qua.
1. Kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19
Cuối tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu bùng phát ở một số quốc gia, bao gồm những nước có lượng khách du lịch golf lớn đến Việt Nam như Hàn Quốc, các sân golf Việt Nam đã nhanh chóng triển khai những hành động đầu tiên để nâng “chốt” an toàn lên mức tối đa. Sân golf Sky Lake, Hilltop Valley, hệ thống sân FLC Biscom,... lần lượt đưa ra thông báo ngưng nhận booking của khách hàng đến từ quốc gia có dịch.
Cùng với đó, các sân golf trong nước lên phương án, thiết lập các biện pháp đồng bộ để phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên, đưa golf trở thành một điểm đến an toàn cho những người hâm mộ môn thể thao này.
Tuy nhiên đến tháng 3 và tháng 4, các sân golf phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, các giải golf từ cấp CLB đến hệ thống giải Nghiệp dư Quốc gia thì quyết định hoãn hoặc hủy bỏ. Dù tiếp tục nhận thêm một “cú đánh bồi” vì lượng khách từ giai đoạn giảm sút xuống bằng 0, các sân golf đã thực hiện tương đối nghiêm túc, góp phần cùng cả nước kịp thời ứng phó, đẩy lùi những làn sóng dịch bệnh. Nhờ thành công này mà 6 tháng cuối năm, golf Việt đã sôi động trở lại, đón golfer, khán giả trở lại sân trong khi các giải đấu quốc tế vẫn phải đấu kín và lập hàng rào phòng dịch chặt chẽ.
2. Dấu ấn tại WAGR
Bắt đầu từ mùa giải năm 2020, một số giải golf Việt Nam được chấp nhận tính điểm trên bảng xếp hạng Nghiệp dư Thế giới WAGR: Giải Vô địch các CLB Golf toàn quốc (VCC), Vô địch Trung cao niên QG (VSC) và giải trẻ FLC Hanoi Junior Golf Tour. Đồng nghĩa với việc các golfer đã có tên có cơ hội cải thiện điểm số, thứ hạng nếu dự giải đạt thành tích cao, hoặc cơ hội lưu danh mới cho các đấu thủ tiềm năng. Đáng tiếc khi VSC và giải Vô địch Đối kháng Quốc gia (VMC, cũng tính điểm nghiệp dư thế giới) đã bị hủy bỏ vào phút chót sau khi nước ta ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong năm nay, golf Việt Nam có thêm hai đại diện góp mặt tại WAGR: Nguyễn Đặng Minh (vô địch Nghiệp dư Quốc gia 2020) và Nguyễn Minh Tuấn (golfer nghiệp dư xuất sắc nhất VPG Tour FLC Sầm Sơn 2020).
3. Golf phong trào bùng nổ với thể thức thi đấu mới
Golf Việt những năm gần đây có nhiều bước tiến mới cả về phong trào lẫn chuyên nghiệp, với năm 2020 có thể coi là bùng nổ nhất. Một loạt các CLB được ra đời dịp đầu năm, trước thềm giải Vô địch các CLB 12 con Giáp, sự kiện đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức tại sân golf Sky Lake. Những gương mặt mới như Trâu Vàng 1985, G86 (Dần), G81 (Dậu) góp mặt cùng những CLB lâu năm và giàu truyền thống G78, G&L 92-95, G79,... đã tạo nên một giải đấu kết nối những người bạn đồng niên hấp dẫn và mang sắc màu mới lạ.
Đây cũng là giải đấu khởi đầu cho thể thức đối kháng đầy kịch tính trong năm nay. Từ giải 12 con Giáp, giải Vô địch các CLB Golf Hà Nội lần 4, giải Vô địch các CLB golf Nghệ An, giải Thập Hùng quy tụ 10 trường đại học đến những giải outing, giao hữu giữa các CLB đều áp dụng match play thay cho đấu gậy truyền thống.
4. 108 Holes Challenge Single Match: “Dị nhân” của golf Việt
Hai thành viên của CLB Golf 1984 Nguyễn Hồng Đức và Bùi Mạnh Cường đã lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu về tổng số hố đấu trong một ngày tại sân golf Sky Lake. 108 hố đấu theo thể thức single match (đối kháng tính điểm theo hố) đã được hoàn thành với tổng thời gian 13h20 phút (từ 5h17 đến 18h38, ngày 25/8) cùng phần thắng thuộc về golfer Bùi Mạnh Cường, 13Up.
6 vòng golf liên tục của hai golfer tuổi Tý nhận sự quan tâm, cổ vũ lớn từ cộng đồng yêu golf và khơi gợi khát khao chinh phục những thách thức mới trong tương lai.
5. Giải Vô địch các CLB Golf Hà Nội lần 4: Khi thể thao hòa quyện cùng nét đẹp văn hóa
Ngoài sự thay đổi format sang đấu đối kháng, Giải Vô địch các CLB Golf Hà Nội lần 4 mang đến nhiều điều khác biệt, trở thành “đầu tàu” của golf phong trào. Lần đầu tiên một giải golf được “thổi hồn” từ văn hóa truyền thống. Với chủ đề “36 phố phường”, 36 hố golf tại Sky Lake gắn liền một con phố, tái hiện những nét văn hóa đặc sắc, những ký ức thân thương nhất của Thủ đô xưa.
Sức hút của một giải quy mô do Hội golf TP Hà Nội tổ chức còn ghi nhận qua các con số ấn tượng. Năm 2020, BTC đón nhận 56 CLB đăng ký tham dự (năm 2019 là 47 CLB), thi đấu vòng loại và chọn ra 36 CLB xuất sắc nhất bước tiếp. Tổng cộng 216 trận Single Match đã diễn ra trong hai ngày (9 và 10/10) với 648 VĐV tham gia thi đấu cùng lực lượng khán giả cổ vũ đông đảo, từ gia đình, bạn bè và người thân mỗi VĐV. Kết quả giải, CLB KB Cầu Giấy đã xuất sắc bảo vệ được chiếc cup vô địch của mình.
6. Hole in One 10 tỷ đồng từ golfer Nguyễn Thanh Anh
Dù số lượng và quy mô giải có phần hạn chế vì Covid-19 nhưng golf Việt năm vừa qua không thiếu những cú HIO tiền tỷ, giá trị cao nhất là 10 tỷ đồng.
Điểm HIO đắt giá nhất này được golfer Nguyễn Thanh Anh ghi tại hố 11 sân FLC Golf Links Sam Son trong vòng 1, giải FLCHomes Autumn Tournament hôm 3/9. Phần thưởng thành viên CLB Golf Rau Má nhận được gồm 4 xe Mercedes C180, một năm bay miễn phí chặng nội địa và quốc tế của Bamboo Airways, voucher khám sức khỏe trị giá 100 triệu đồng,...
7. Bộ đôi nghiệp dư hàng đầu Việt Nam lên chuyên nghiệp
Tháng 9/2020, Trương Chí Quân quyết định chuyển lên con đường golf chuyên nghiệp và lập tức giành hai chiến thắng trong vị thế mới: VPG Tour Hạ Long Championship và VPG Tour Đà Lạt Championship (cùng trong tháng 11)
Ngoài ra, chặng đấu VPG Tour ở FLC Golf Club Ha Long cũng ghi nhận màn chào sân với tư cách golfer chuyên nghiệp của Nguyễn Thảo My. Hiện Chí Quân đang làm HLV của Mizuno Golf Center trong quãng thời gian chưa thể lên đường dự đấu trường loại của Asian Tour. Còn Thảo My làm HLV cho Học viện Golf David Leadbetter (Mỹ) đặt tại Việt Nam. Cả hai đều mong muốn đóng góp và khuyến khích sự phát triển của golf trẻ qua những hoạt động giảng dạy, hướng dẫn của mình.
8. Đại hội đại biểu nhiệm kỳ IV Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA)
Ngày 11 và 12/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Golf Việt Nam đã tiến hành tổ chức thành công Đại hội đại biểu nhiệm kỳ IV (2020-2024) và kiện toàn nhân sự trong ban chấp hành mới gồm 47 thành viên. Theo đó, ông Lê Kiên Thành tiếp tục giữ chức Chủ tịch, ông Lê Hùng Nam trở thành tân Tổng thư ký Hiệp hội.
9. FLC Vietnam Masters 2020: Trở lại nơi bắt đầu
Cũng do dịch bệnh, VPGA Tour chỉ tổ chức duy nhất một giải là FLC Vietnam Masters 2020 với quỹ tiền thưởng 1 tỷ đồng, từ 1 – 4/12 tại FLC Golf Links Sam Sơn, nơi lần đầu tiên hệ thống giải chuyên nghiệp VPGA Tour ra mắt cộng đồng yêu golf.
Thu hút 89 golfer hàng đầu trong nước và golfer nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam tham dự, FLC Vietnam Masters đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ với những diễn biết bất ngờ, những kỷ lục trong tuần khởi tranh. Đó là Đoàn Uy, 13 tuổi “đại náo” khi trở thành golfer duy nhất đánh âm gậy vòng 2. Một VĐV nghiệp dư khác, Võ Gia Thống 18 tuổi tái lập kỷ lục 67 gậy của PGA Phạm Minh Đức (2017) ở vòng 3. Là câu chuyện viết nên lịch sử sân FLC Golf Links Sam Son của Trương Chí Quân, phá vỡ kỷ lục của chính Gia Thống và Minh Đức đang nắm giữ với vòng cuối 66 gậy (-6), qua đó lội ngược dòng lên vị trí Á quân.
Không thể không kể đến Đỗ Hồng Giang, nhân tố bí ẩn từ Quảng Ninh xứng đáng với câu “from zero to hero” (từ số 0 trở thành anh hùng) bởi trước đó, không nhiều người biết đến tên tuổi của golfer này. Ngay ngày mở màn, Hồng Giang đánh bogey-free 68 gậy, chia sẻ ngôi đầu cùng Gia Thống. Những vòng kế tiếp, vẫn phong độ chắc chắn, bình tĩnh qua từng hố với chiến thuật hợp lý, Hồng Giang chễm chệ ở đỉnh bảng trong khi nhiều đối thủ lần lượt “ngã ngựa”. Pha cứu par thành công hố 18 đã ấn định chiến thắng ở điểm -4 của Đỗ Hồng Giang và số tiền thưởng 180 triệu đồng. Và mỗi khi nhắc tới tân vương giải, người hâm mộ mãi nhớ về kiểu ăn mừng độc đáo giống huyền thoại Payne Stewart và những hình ảnh đẹp trong thi đấu mà Hồng Giang để lại.
10. Sự ra đời của VPG Tour
Hơn một tháng sau khi có Ban chấp hành mới, Hiệp hội Golf Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên với lễ công bố hệ thống giải Chuyên nghiệp VGA Tour và lịch thi đấu mùa giải Nghiệp dư Quốc gia 2021.
Trong mùa giải 2021, sẽ có 12 giải golf được tổ chức bài bản, đều đặn từ tháng 3 đến tháng 12. Bình quân mỗi tháng sẽ có một giải chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư được tổ chức. Trong đó, 5 chặng của VGA Tour có quỹ tiền thưởng dao động từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng: FLC Vietnam Masters (10-15/5, sân FLC Golf Links Quy Nhơn); Vietnam Open (7-12/6, Vinpearl Golf Nam Hoi An); Vô địch Quốc gia – National Championship (9-14/8); Challenge (6-11/9) và chặng cuối MB Tour Championship đạt mức trần tiền thưởng (13-18/12).
Thanh Bình